Hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Chính trị - Ngày đăng : 06:37, 24/03/2023

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, sáng 23-3, đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn về sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TƯ ngày 12-2-2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Nhấn mạnh mục tiêu Trung ương đề ra giai đoạn 2030, tầm nhìn 2045 “Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%, nâng cao năng suất, chất lượng rừng”, riêng vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030 tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 54-55%; đến năm 2045, là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện; hình mẫu phát triển xanh của cả nước”, đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị tỉnh Bắc Kạn nghiên cứu, triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng như: Tiếp tục rà soát, bổ sung, ban hành mới chương trình, kế hoạch, đề án để tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TƯ trên địa bàn tỉnh... Tập trung xử lý các vấn đề nóng, tồn đọng trong thực tiễn cuộc sống, có các giải pháp căn cơ để duy trì và nâng cao bền vững tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt các giải pháp về an sinh xã hội, tạo việc làm bền vững cho người dân khu vực có rừng.

* Ngày 23-3, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã dự Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới" do Tỉnh ủy Hải Dương tổ chức.

Ghi nhận và đánh giá cao kết quả, bước tiến của Hải Dương, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, những thời gian tới, Hải Dương cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, tạo sự thống nhất nhận thức, ý chí và hành động của cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp để thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng về bảo vệ Tổ quốc được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Hải Dương cần nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược, toàn diện, đề xuất các chủ trương, giải pháp đúng và kịp thời; chú trọng kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, nghiên cứu, bổ sung phát triển lý luận về quốc phòng, an ninh. Đồng thời, tập trung xây dựng, củng cố vững chắc tiềm lực, thế trận, lực lượng trong khu vực phòng thủ toàn diện về chính trị tinh thần, quân sự, an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ, đối ngoại với nhiều cách làm mới…

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng lưu ý tỉnh Hải Dương chủ động, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, gắn kết chặt chẽ giữa các lực lượng và phát huy lực lượng nòng cốt để tạo ra thế trận bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

* Tại Mỹ, ngày 22-3 (giờ địa phương), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã dự lễ khai mạc hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về nước. Tại phiên toàn thể, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chia sẻ mối quan tâm, lo ngại trước thực tế gần 1/3 dân số thế giới đang sống ở các quốc gia bị căng thẳng hoặc khan hiếm nước. Do đó, nhân loại cần hành động ngay trước khi quá muộn. Chương trình nghị sự về nước phải được đặt ở vị trí quan trọng trong phát triển bền vững, như đối với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Phó Thủ tướng cho rằng cần có khuôn khổ pháp lý toàn cầu dựa trên khoa học để định hướng, điều phối các hoạt động khai thác, sử dụng bền vững, phục hồi nguồn nước, đồng thời khẩn trương hình thành các trung tâm khoa học và công nghệ toàn cầu, khu vực về nước... Phó Thủ tướng cũng đề nghị hình thành các tổ chức, cơ quan thuộc Liên hợp quốc như ủy ban khoa học về nước xuyên biên giới, hội đồng sông quốc tế; thành lập quỹ tài chính lưu vực sông xuyên biên giới hoặc mở rộng chức năng tài chính lưu vực sông cho Quỹ Môi trường toàn cầu.

Trao đổi với các đại biểu, Phó Thủ tướng khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc tiếp tục hợp tác với các nước về trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước; góp phần cho nỗ lực toàn cầu vì một thế giới phát triển bền vững.

* Trong thời gian diễn ra hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về nước, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có các cuộc gặp với Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres, Nhà vua Hà Lan Willem-Alexander Claus George Ferdinand, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Mỹ Debra Haaland, Bộ trưởng Phát triển bền vững và Môi trường Singapore Grace Fu, Bộ trưởng Nước sạch và Vệ sinh Ấn Độ Gajendra Singh Shekhawat.

TTXVN