Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên: Cần giải pháp đồng bộ kết hợp với chiến lược phát triển bền vững

Văn hóa - Ngày đăng : 17:56, 31/03/2023

(HNMCT) - Đã 36 năm (1987 - 2023) kể từ khi Việt Nam phê chuẩn và tham gia Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của UNESCO (Công ước 1972). Đến nay, Việt Nam đã có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên được UNESCO công nhận. Những di sản này được ví như những “chòm sao” không ngừng tỏa sáng, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, làm thay đổi nhận thức của cơ quan quản lý nhà nước các cấp và người dân về bảo tồn di sản văn hóa.

Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình).

Những “chòm sao” tỏa sáng

Năm 1993, Quần thể di tích cố đô Huế là di sản đầu tiên ở Việt Nam được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa thế giới với giá trị nổi bật toàn cầu biểu trưng cho sự nổi bật của một kinh đô phong kiến phương Đông vào thế kỷ XIX. Trước thời điểm được vinh danh, phần lớn di tích trong khuôn viên cố đô Huế đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều di tích trở thành phế tích. Tuy vậy, với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các chuyên gia về bảo tồn, bảo tàng ở trong nước và quốc tế, sau một thời gian, Quần thể di tích cố đô Huế từ chỗ được UNESCO đánh giá là di sản cần được cứu trợ khẩn cấp đã “lột xác” trở thành một điểm đến di sản hấp dẫn, đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ số để phát triển du lịch.

Cách Huế khoảng 120km, đô thị cổ Hội An vào những năm 1990 là một thành phố “dưỡng già” với phần lớn người cao tuổi sinh sống, nay liên tục được tạp chí du lịch Travel and Leisure của Mỹ bình chọn là Thành phố du lịch tốt nhất thế giới (năm 2019), Thành phố tốt nhất thế giới (năm 2022) và Thành phố đẹp nhất thế giới (năm 2023).

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn, Hội An là điểm đến hấp dẫn đối với du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Hội An còn là một “bảo tàng sống” về lịch sử kiến trúc, dân cư đô thị còn bảo tồn được nguyên vẹn những nét văn hóa đặc sắc cùng giá trị văn hóa phi vật thể hiện hữu. Nhờ đó, thương cảng cổ sầm uất của châu Á hồi thế kỷ XVI này đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1999 với những giá trị nổi bật toàn cầu.

Là di sản “non trẻ” nhất trong số 8 di sản được UNESCO vinh danh năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An là di sản hỗn hợp duy nhất của Việt Nam đáp ứng các tiêu chí nổi bật toàn cầu về văn hóa và giá trị về địa chất, địa mạo.

Chia sẻ về sự thay đổi của di sản này sau 9 năm được vinh danh, Phó Giám đốc Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An Bùi Sinh Khánh cho biết: "Kể từ thời điểm được công nhận là di sản thế giới, Quần thể danh thắng Tràng An đã được đánh thức tiềm năng, tạo thương hiệu du lịch gắn với di sản cho Ninh Bình. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế của tỉnh đang dần chuyển dịch từ “nâu” sang “xanh”. Cùng với doanh nghiệp, cộng đồng dân cư sống trong khu di sản được hưởng lợi rõ rệt từ việc trực tiếp tham gia làm du lịch. Giai đoạn 2010 - 2019, cùng với sự tăng trưởng của dòng khách du lịch đến Ninh Bình, doanh thu bình quân từ hoạt động du lịch tăng 23,6%/năm. Thu nhập bình quân đầu người của dân cư địa phương tại các khu, điểm du lịch đạt khoảng 5 triệu đồng/tháng, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 15% năm 2010 xuống còn dưới 3% năm 2019”.

Còn tại Hà Nội, từ cuối năm 2002, cuộc “khai quật khảo cổ học thế kỷ” được tiến hành tại 18 Hoàng Diệu (quận Ba Đình) đã phát lộ một quần thể di tích minh chứng cho sự hiện hữu của Thăng Long - Hà Nội qua hàng ngàn năm lịch sử. Sau 13 năm được ghi danh (năm 2010), Hoàng thành Thăng Long đã thực hiện đầy đủ các quy hoạch, cam kết gồm 8 điểm với Ủy ban Di sản Thế giới và hiện là một trong những điểm đến hấp dẫn của Thủ đô.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết: “Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn và đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử của Thủ đô Hà Nội. Chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2023, khu di sản đón tiếp hơn 210.000 lượt khách tham quan (trong đó có 20% là khách quốc tế) và hơn 21.000 lượt học sinh tham gia học tập, tìm hiểu về di sản”.

Khẳng định những đóng góp và hiệu quả thiết thực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản thế giới tại Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazarre Eloundou cho rằng, 8 khu di sản thế giới của Việt Nam giống như 8 “chòm sao” mang biểu tượng của quốc gia và dân tộc. “Các khu di sản này không chỉ có giá trị với Việt Nam mà còn có giá trị nổi bật toàn cầu, góp phần làm phong phú thêm hiểu biết của nhân loại, thúc đẩy sự trao đổi giữa các nền văn hóa và sự tồn tại hài hòa giữa con người với thiên nhiên” - ông Lazarre Eloundou khẳng định.

Khu di tích Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội).

Người dân - một trụ cột của công tác bảo tồn di sản

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, 8 di sản thế giới tại Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, các thảm họa thiên nhiên cực đoan. Bên cạnh đó là nạn “chảy máu” di sản, sự thay đổi về lối sống, phong tục tập quán làm mai một các giá trị văn hóa phi vật thể - “linh hồn” của di sản, mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển là câu chuyện chưa có hồi kết ở nhiều địa phương.

Để giải quyết bài toán trên, theo đại diện chính quyền các địa phương và các chuyên gia bảo tồn, cần có những giải pháp trước mắt kết hợp với các chiến lược phát triển bài bản, lâu dài. Kinh nghiệm của vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) - di sản thiên nhiên và di sản địa chất - địa mạo từng hai lần được UNESCO vinh danh - cho thấy, cần phải thay đổi ý thức, gắn kết lợi ích của người dân với phát triển du lịch bền vững, trong đó chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.

Ông Lê Minh Tân, Phó Trưởng ban quản lý vịnh Hạ Long cho biết: Trước đây, khi hoạt động du lịch trên vịnh còn sơ khai, chủ yếu là tàu gỗ nên các tiêu chí về bảo đảm an toàn cho du khách, quy trình xử lý chất thải không bảo đảm. Từ khi định hướng phát triển du lịch xanh, tỉnh đã chỉ đạo các hộ kinh doanh vận tải tàu du lịch chuyển sang đóng tàu sắt, đồng thời cam kết tuân thủ các quy định về thu gom, xử lý rác, chất thải. Tỉnh cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng bền vững, tiết kiệm nguồn tài nguyên, sử dụng năng lượng sạch trong hoạt động du lịch; triển khai chương trình “Di sản vịnh Hạ Long không rác thải nhựa”.

“Ban đầu, chúng tôi vấp phải sự phản ứng của bà con do chi phí đầu tư tăng nhiều, nhưng sau quá trình vận động, ý thức của bà con đã thay đổi. Đến nay, người dân là một trong ba trụ cột chính trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long gắn với phát triển du lịch bền vững” - ông Tân chia sẻ.

Đồng quan điểm, Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết: “Hội An luôn xác định người dân đóng vai trò trung tâm trong công tác bảo tồn di sản. Muốn vậy, phải tạo điều kiện để họ giàu lên từ di sản, có sinh kế bền vững từ việc phát triển nghề truyền thống, kinh doanh dịch vụ du lịch hay hỗ trợ các hộ dân bằng nguồn kinh phí thu từ tiền vé tham quan. Từ những chính sách thiết thực, nhiều hộ dân ở Hội An đã cải thiện thu nhập, bình quân đạt từ 4 - 10 triệu đồng/tháng. Vì thế, người dân tham gia rất tích cực vào quá trình giữ gìn di sản”.

Còn tại Huế, trong những năm gần đây, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã thực hiện nhiều chương trình cụ thể nhằm đưa di sản đến gần hơn với công chúng. Đó là các hoạt động thuyết minh, tuyên truyền, các chương trình giáo dục di sản theo chuyên đề dành cho học sinh; trong đó phải kể đến trải nghiệm thực tế ảo XR được phát triển trên nền tảng thực tế ảo VR với tên gọi “Đi tìm Hoàng cung đã mất”...

Phát huy vai trò là Thủ đô văn hóa, “thành phố di sản” trong bối cảnh Thủ đô Hà Nội chính thức trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho biết, Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được định hướng là địa chỉ đi đầu trong phát triển không gian sáng tạo văn hóa, kết nối di sản với cộng đồng và giới trẻ, góp phần thực hiện các mục tiêu Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2022, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Chương trình số 06 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 - 2025”.

Để phát huy giá trị các di sản văn hóa và phát triển ngành Công nghiệp văn hóa, Hà Nội sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về gắn kết di sản văn hóa với phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường đầu tư nguồn vốn và nguồn nhân lực cho công tác bảo tồn; triển khai các dự án, đồ án quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia; xây dựng các công trình văn hóa mới, tạo thành các biểu tượng văn hóa mới cho Thủ đô; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm công nghiệp văn hóa trên cơ sở khai thác hiệu quả giá trị các di sản văn hóa; tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp thu kinh nghiệm, phương pháp và kiến thức chuyên sâu trong hoạt động bảo tồn giá trị các di sản văn hóa gắn kết với hoạt động phát triển công nghiệp văn hóa, nhất là ở một số ngành có ưu thế của Thủ đô.

Linh Tâm