Vụ án Thảo Cầm Viên Sài Gòn: anh Đặng Vũ Thắng bị sát hại như thế nào?

Giới trẻ - Ngày đăng : 08:52, 14/11/2004

Viện KSND TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành cáo trạng miêu tả khá cụ thể những tình tiết liên quan đến

"Liên minh của những người bị tố giác"

Theo tài liệu điều tra, từ khoảng tháng 5 đến tháng 7.2001, tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn (TCVSG), ông Nguyễn Quốc Thắng (nguyên giám đốc) và một số cán bộ dưới quyền như Nguyễn Kim Cơ (Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính), Trương Văn Hàng (Trưởng phòng Kế toán - Tài vụ), Trần Ngọc Quyết (Phó phòng Giáo dục bảo tồn)... bị nhiều đơn thư tố giác có tiêu cực trong một số công trình xây dựng TCVSG như: Hợp tác với nước ngoài mở hội "Hoa đăng 2000", công trình xây dựng chuồng cá sấu và hệ thống thoát nước...

Từ đó các ông Thắng, Hàng, Quyết và một vài nhân viên Phòng Kế toán - Tài vụ là Lâm Bích Thủy, Huỳnh Thị Bích Liên, Lê Thúy Hòa, Lê Thị Hồng Thu đã hình thành một "liên minh nhậu" gắn kết mật thiết... Và họ cùng đi đến một sự "thống nhất cao" rằng tác giả của những lá đơn tố giác tiêu cực chính là anh Đặng Vũ Thắng.

Anh Đặng Vũ Thắng sinh năm 1965, ngụ tại số 269/9 Lý Thường Kiệt (P.15, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh). Sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Tài chính, anh Thắng được tuyển dụng vào làm ở Công ty Phát triển - Kinh doanh nhà TP Hồ Chí Minh, đến năm 1995 thì chuyển công tác sang TCVSG được bổ nhiệm làm Phó phòng Kế toán - Tài vụ và đến chiều 22.8.2001 thì bị sát hại.

Trong số đó, theo tài liệu thu thập được của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh thì "người bực tức nhất" là Trưởng phòng Kế toán - Tài vụ Trương Văn Hàng, cấp trên trực tiếp của anh Thắng.

Mưu đồ thâm hiểm

Lâm Bích Thủy là thủ quỹ TCVSG, không nằm trong số những người bị tố giác nhưng đã gia nhập "liên minh nhậu" nói trên, được nghe trực tiếp từ miệng ông Hàng ý định "đánh dằn mặt" anh Đặng Vũ Thắng và đặc biệt là khi thấy Giám đốc Nguyễn Quốc Thắng, người mà cô ta "có quan hệ tình cảm" phải buồn phiền lo nghĩ do bị tố giác và bị kỷ luật khiển trách... Từ đó, Thủy hình thành ý nghĩ thuê côn đồ "dạy cho Đặng Vũ Thắng một bài học".

Thủy sinh năm 1959, gốc Quảng Ninh, là con gái đầu của một cựu cán bộ trong ngành giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh hiện ngụ tại phường Cầu Ông Lãnh, quận 1. Em trai kế Thủy là Lâm Thanh Phong, tức Phong "móm", từng có thời gian 5 năm đi lao động hợp tác tại Tiệp Khắc vào thập niên 80, sau này về nước công tác tại Sài Gòn Ship một thời gian thì được làm nhân viên đăng kiểm tại Trạm 50 - 60X (phường Tân Thuận Tây, quận 7).

Đầu tháng 8.2001, Thủy tiết lộ cho em trai những suy nghĩ độc ác của mình và nhờ đi tìm thuê sát thủ. Lâm Thanh Phong đã nghĩ ngay đến Hải "quắn" (tức Lâm Ngọc Hải, sinh năm 1960, ngụ tại phường 2, quận 6) và Tuấn "Tiệp" (tức Trương Anh Tuấn, sinh năm 1962, ngụ tại phường 7, quận 3), hai người bạn gốc Hà Nội y thân thiết từ những năm còn ở Tiệp Khắc.

Cuối cùng Phong "móm" được Tuấn "Tiệp" và Hải "quắn" dẫn đến gặp Trà Hinh (tức Trần Đức Trà, một trùm xã hội đen gốc Bắc hiện đang bị truy nã đặc biệt). Trà Hinh sinh năm 1966, lúc bấy giờ đang cầm đầu một băng đâm thuê chém mướn chuyên nghiệp tại phường 2, quận Tân Bình, đã không bỏ lỡ phi vụ béo bở này. Thực hiện "hợp đồng", việc đầu tiên Trà Hinh là chỉ đạo Hải "quắn" thu thập ảnh, số nhà, biển số đăng ký xe... của anh Đặng Vũ Thắng.

Cuộc truy sát

Sáng sớm ngày 22.8.2001, Trà Hinh sai 4 đàn em là Tuấn "con" (tức Nguyễn Anh Tuấn, sinh năm 1975, ngụ tại quận Đống Đa, Hà Nội), Toàn "6 ngón" (tức Đỗ Công Toàn, sinh năm 1982, ngụ tại thị xã Kon Tum), Long "Đào" (tức Lê Bá Long, sinh năm 1976, ngụ tại quận Đống Đa, Hà Nội) và Nguyễn Ngọc Thắng đến đầu hẻm nhà anh Thắng phục kích để ra tay. Chờ đến hơn 7 giờ 30 không thấy anh Thắng nên chúng sốt ruột bỏ về.

Đầu giờ chiều cùng ngày, lệnh của Trà Hinh tiếp tục phát ra là "phải chém cho bằng được" nên bọn đàn em lại tiếp tục lên kế hoạch thực hiện. Khoảng 15 giờ chúng xuất hiện trên 1 chiếc xe Suzuki Sport và 1 Dream, đến trước cổng TCVSG thì tấp vào quán nước mía ngồi đợi anh Thắng. Khoảng 16 giờ thì bất ngờ trời đổ cơn mưa lớn, Long "Đào" lo không ra tay được nên gọi điện xin ý kiến Trà Hinh để "rút quân", song "ông trùm" không cho phép. Một lúc sau chúng nhận được thông tin từ điện thoại của Trà Hinh rằng anh Đặng Vũ Thắng "sắp về".

Khoảng 16 giờ 30, anh Đặng Vũ Thắng chạy từ trong TCVSG ra. Tuấn "con" sau khi nhận diện đúng biển số xe và dáng người anh Thắng đã thúc đồng bọn bám theo. Đến ngã ba Nguyễn Du - Cách Mạng Tháng Tám, anh Thắng giảm tốc độ để qua đường thì Toàn "6 ngón" liền nhảy xuống xe, chạy bộ băng lên vung dao chém. Anh Đặng Vũ Thắng được đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện Sài Gòn và đến 20 giờ cùng ngày thì chết.

Khoảng hơn 18 giờ, Lâm Thanh Phong nhận được điện thoại của Hải "quắn" gọi ra một quán nhậu trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận 5) để nghe báo cáo kết quả chém anh Thắng. Và ngay chiều hôm sau, tại "bữa tiệc mừng công", Tuấn "Tiệp" đã chính thức đưa ra yêu cầu đầu tiên với Lâm Thanh Phong về việc "thanh lý" hợp đồng này bằng số tiền 30 triệu đồng. Đến tháng 10.2001, theo lệnh của Trà Hinh, Tuấn "Tiệp" lại đến gõ cửa Lâm Thanh Phong lấy thêm 2.000 USD.

Bẵng đi một thời gian rất dài, đến ngày 22.2.2003 Tuấn "con" bị Công an TP Hà Nội bắt giữ trong một vụ án khác và sau đó chính y đã khai ra thêm những hoạt động tội lỗi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Và toàn bộ những kẻ tổ chức thuê mướn cũng như trực tiếp ra tay sát hại anh Đặng Vũ Thắng lần lượt bị bắt giữ.

Theo Thanh Niên

TUYETMINH