Vì sao ít doanh nghiệp vận tải tự đo nồng độ cồn lái xe?
Đời sống - Ngày đăng : 15:02, 13/06/2023
Thay đổi nhận thức lái xe
Khoảng 4h30-5h, khi nhiều người còn say giấc, anh Nguyễn Khắc Hiệp, lái xe Xí nghiệp Xe buýt Cầu Bươu, thuộc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), cùng đồng nghiệp đã có mặt tại xí nghiệp, bắt đầu ngày làm việc mới với quy trình quen thuộc: Điểm danh, giao nhận phương tiện và kiểm tra nồng độ cồn. Chỉ đến khi phương tiện và con người bảo đảm an toàn thì mới được ra tuyến phục vụ hành khách.
“Ban đầu còn chút băn khoăn, nhưng dần dần anh em đã quen với việc đo nồng độ cồn đầu ca, từ đó ý thức hơn, tự giác không uống rượu, bia trước khi làm việc. Tất cả đều nhận thức được rằng việc này nâng cao an toàn, hạn chế tai nạn giao thông”, anh Nguyễn Khắc Hiệp chia sẻ.
Trưởng Trung tâm Điều hành xe buýt Transerco Lê Anh Nam cho biết, với gần 3.000 lái xe, vận hành gần 15.000 lượt xe buýt mỗi ngày, việc kiểm soát chất lượng phương tiện và sức khỏe người lái luôn được Transerco quan tâm. Từ trước năm 2019, Transerco đã trang bị 20 máy đo nồng độ cồn cầm tay để kiểm tra các lái xe trước khi ra tuyến. Sau đó, Transerco hợp tác với Tập đoàn Michinori (Nhật Bản) thực hiện quy trình kiểm tra nồng độ cồn cho lái xe bằng máy đo có kết nối với hệ thống quản lý chung với các tính năng nổi bật: Chụp ảnh đồng thời khi thổi (giúp ngăn ngừa việc nhờ người khác thổi), gửi email trực tiếp cho người quản lý khi có vi phạm nồng độ cồn (giúp ngăn ngừa việc che giấu vi phạm tại các đơn vị), tự động tổng hợp dữ liệu.
Nếu như trong tháng đầu tiên thí điểm (tháng 10-2022), trong 12.875 lượt kiểm tra có 51 trường hợp lái xe ca sáng có nồng độ cồn trong hơi thở (chiếm tỷ lệ 0,4%) thì đến tháng 3-2023, tỷ lệ tài xế có nồng độ cồn trước khi ra tuyến của các đơn vị thuộc Transerco chỉ còn 0,06% (7 trường hợp/12.500 lượt kiểm tra).
Việc thí điểm đo nồng độ cồn được các đơn vị duy trì đều đặn thời gian qua đã góp phần nâng cao ý thức của người lao động. Nhiều trường hợp đã chủ động thông báo việc có sử dụng rượu, bia từ ngày hôm trước để bộ phận điều độ bố trí công việc khác, chờ đến khi kiểm tra không có dấu hiệu về nồng độ cồn thì mới ra tuyến.
Vẫn trông chờ lực lượng chức năng
Hiệu quả rõ ràng, song thực tế cho thấy, có rất ít doanh nghiệp vận tải chủ động ngăn ngừa lái xe uống rượu, bia trước khi làm việc như Transerco.
Lý giải cách làm này khó nhân rộng, một số ý kiến cho rằng, hiện chưa có quy định nào bắt buộc doanh nghiệp trang bị máy đo nồng độ cồn để kiểm soát nội bộ. Phía doanh nghiệp chỉ biết lái xe của mình vi phạm nồng độ cồn khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt và gửi thông báo.
Chưa kể, nhiều doanh nghiệp còn kêu khó khăn do phải đầu tư máy móc, bố trí nhân lực thực hiện nhiệm vụ kiểm soát nồng độ cồn; nhân lực lái xe thay thế tạm thời cho người vi phạm… Do đó, thay vì chủ động ngăn ngừa, các doanh nghiệp chọn cách trông chờ vào lực lượng chức năng trực tiếp kiểm tra, giám sát trên đường.
Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Phạm Việt Công nhấn mạnh, vi phạm về nồng độ cồn là một trong những hành vi cần được quan tâm hàng đầu. Hành vi vi phạm về nồng độ cồn cũng có khung hình phạt cao nhất trong xử lý vi phạm về an toàn giao thông. Kiểm tra nồng độ cồn ngay từ các doanh nghiệp vận tải là cần thiết, qua đó mang lại hiệu quả tích cực, góp phần xây dựng được ý thức, văn hóa tham gia giao thông.
Đồng quan điểm kiểm tra nồng độ cồn ngay từ các doanh nghiệp vận tải là cần thiết, Thạc sĩ Nguyễn Khánh Ly (Học viện Cảnh sát nhân dân) thông tin, ở Việt Nam đang áp dụng nhiều biện pháp ngăn ngừa lái xe vi phạm nồng độ cồn, như: Truyền thông giáo dục; cưỡng chế vi phạm và điều tra xử lý; áp dụng công nghệ vào kiểm tra nồng độ cồn. Để tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng bia, rượu khi lái xe, cần nâng chế tài xử phạt, đa dạng hình thức xử phạt. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách cần trang bị và sử dụng máy đo nồng độ cồn, kiểm tra chặt chẽ trước khi lái xe tham gia giao thông…