Tăng động lực để phát triển
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:06, 13/06/2023
Với mục tiêu sớm đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển, Đảng và Nhà nước đã xác định rõ quan điểm phát triển nhanh, bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chúng ta đã ban hành và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 - đây là bước đột phá, có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua, việc phát huy vai trò then chốt của khoa học, công nghệ còn nhiều hạn chế, như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu đồng bộ, thị trường khoa học, công nghệ phát triển chậm. Trình độ khoa học, công nghệ quốc gia còn khoảng cách so với nhóm đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Trừ một số lĩnh vực có tốc độ đổi mới công nghệ khá nhanh, như công nghệ thông tin - viễn thông, dầu khí, hàng không, tài chính - ngân hàng..., nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu. Năng lực hấp thụ và đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ tuy tăng số lượng, nhưng thiếu các nhà khoa học đầu ngành…
Trước những thách thức đặt ra trong quá trình hội nhập quốc tế, để nhanh chóng khắc phục những yếu kém, đồng thời tiếp tục triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, ngày 7-6, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn (kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV) của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ trưởng có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, để thời gian tới sẽ chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp đề ra nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế.
Từ thực tế đặt ra, vấn đề quan trọng trước mắt là các bộ, ngành cần tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế; cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, thúc đẩy triển khai và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo. Các bộ, ngành cũng cần quan tâm đầu tư đúng mức nghiên cứu khoa học cơ bản; tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ lõi, công nghệ số; cơ cấu lại, nâng cao năng lực, hiệu quả các cơ sở nghiên cứu...
Bên cạnh đó, việc phát triển thị trường khoa học, công nghệ phải gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học, công nghệ; tăng cường bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; mở rộng và nâng cao hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế. Đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế, đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ, lấy người dân và nhà khoa học làm trung tâm phục vụ…
Động lực yếu chắc chắn tốc độ phát triển sẽ chậm. Chỉ khi có sự vào cuộc chủ động, quyết liệt của cả hệ thống chính trị với sự chung tay, góp sức của tất cả các ngành, các cấp, địa phương, giới trí thức, doanh nghiệp và toàn xã hội thì khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo mới thực sự trở thành động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể tin tưởng sẽ đạt được mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, đó là đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.