Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn
Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 08:12, 13/06/2023
Ngắm nhìn những bức tranh sinh động đầy màu sắc được thiết kế từ những vỏ chai nhựa, túi ni lông đã qua sử dụng do Hội Liên hiệp phụ nữ xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) tái chế, ai cũng trầm trồ khen ngợi. Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Song Phượng Tạ Kim Chung giới thiệu, vào thứ bảy hằng tuần, hội viên phụ nữ xã thu gom rác thải nhựa và tạo thành những bức tranh đẹp mắt, treo ở các nhà văn hóa thôn cho mọi người nhìn ngắm để tuyên truyền cho cán bộ, hội viên và nhân dân về công tác bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, qua bàn tay khéo léo của chị em phụ nữ Chi hội phụ nữ khuyết tật quận Bắc Từ Liêm, những chiếc vỏ chai nước ngọt được tái chế, cắt tỉa thành những chậu hoa nhỏ xinh, có tính ứng dụng cao trong cuộc sống. Chị Trần Thị Nhàn, hội viên Chi hội phụ nữ khuyết tật quận Bắc Từ Liêm chia sẻ: “Tái chế chai, lọ nhựa không phải mới nên chúng tôi lên mạng xã hội học hỏi thêm, trong quá trình làm thì tự cải tiến để cho ra đời các sản phẩm đẹp, có thể trưng bày tại văn phòng, bàn học hay làm đồ lưu niệm, quà tặng... Nhiều chị em dù khuyết tật vận động nhưng vẫn hăng hái tham gia hoạt động này. Vừa có sản phẩm thiết thực, lại hạn chế rác thải nhựa ra môi trường”.
Xuất phát từ thực tiễn trong sinh hoạt hằng ngày, với các loại phế liệu như vỏ lon, chai nhựa… sau khi sử dụng thường bị vứt bừa bãi vừa gây lãng phí vừa ô nhiễm môi trường, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ba Vì đã chỉ đạo Hội Liên hiệp phụ nữ các xã, thị trấn triển khai xây dựng các mô hình “Ngôi nhà xanh thu gom phế liệu”, “Biến rác thành tiền” nhằm ủng hộ hội viên phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ba Vì Đỗ Thị Thúy Hằng cho biết: “Từ khi triển khai mô hình này, ý thức thu gom, phân loại rác thải, giữ gìn môi trường sống của người dân đã thay đổi rõ rệt, góp phần vào phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương. Đến nay, mô hình đã được nhân rộng ở các cơ sở hội. Từ mô hình này đã thu được số tiền 60,5 triệu đồng tặng quà, tặng học bổng, sổ tiết kiệm, hỗ trợ viện phí cho 205 phụ nữ, trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo”.
Theo Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội, đến nay, các mô hình như “Đổi phế liệu giữ màu xanh, gây quỹ từ thiện”, “Tái chế rác thải nhựa”, “Chi hội phụ nữ sử dụng làn khi đi chợ”, “Ngôi nhà xanh thu gom phế liệu”... đã được triển khai rộng khắp tại 579 xã, phường, thị trấn, hình thành thói quen, nâng cao ý thức của cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân không vứt phế liệu, vỏ chai lọ nhựa ra môi trường, giữ gìn cảnh quan, môi trường ngõ, xóm xanh, sạch, đẹp. Nhờ đó, nhận thức, hành động của mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ và cộng đồng đã chuyển biến tích cực.
Để phong trào “Chống rác thải nhựa” tiếp tục lan tỏa và hiệu quả lâu dài, ngoài sự nỗ lực của các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố thì rất cần sự chung tay góp sức của các cấp, ngành, nhân dân trong việc hạn chế dùng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi ni lông, có như vậy mới góp phần bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình, môi trường sống.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết, thời gian tới, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố sẽ tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”; tập trung nâng cao nhận thức, hình thành thói quen để hội viên phụ nữ và thành viên trong gia đình hiểu rõ về tác hại của rác thải nhựa và trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó, sẽ hướng dẫn cho chị em những kỹ năng phân loại, xử lý rác và tái chế các sản phẩm từ rác thải nhựa, đồng thời đề xuất với thành phố một số đề án để làm tốt hơn nữa, có những giải pháp đồng bộ từ phân loại đến thu gom, xử lý rác thải nhựa.