Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm đã trở thành thương hiệu của Hà Nội
Văn hóa - Ngày đăng : 18:21, 12/06/2023
Thực hiện công tác quản lý nhà nước, từ năm 2017 đến nay, UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành 44 văn bản để chỉ đạo, triển khai công tác phát triển du lịch trên địa bàn. Trong đó, quận định hướng xây dựng du lịch phát triển cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có giá trị tăng trưởng cao; tập trung đầu tư, tăng cường quản lý, khai thác hiệu quả và phát huy thế mạnh không gian kiến trúc, giá trị văn hóa khu phố cổ, khu phố cũ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.
Bên cạnh đó, quận còn tạo ra sự khác biệt khi là địa phương đầu tiên của Hà Nội xây dựng không gian đi bộ, tạo cơ hội cho người dân và du khách có thêm điểm vui chơi về đêm, từ đó không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã trở thành thương hiệu của Hà Nội; duy trì và phát triển các tuyến phố văn minh thương mại, xóa các tụ điểm hoạt động kinh doanh tự phát lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.
Từ năm 2016 đến năm 2022, quận đã đầu tư, tu bổ, tôn tạo di tích với tổng mức đầu tư hơn 274 tỷ đồng; thực hiện sắp xếp đường dây, cáp đi nổi toàn bộ khu vực phố cổ (79/79 phố) và hạ ngầm đường dây, cáp đi nổi khu vực phố cũ là 58/78 phố…
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách phát triển du lịch trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cũng gặp một số hạn chế, vướng mắc. Một số đề án, dự án “Phát triển bãi giữa, bãi ven sông Hồng, quận Hoàn Kiếm thành không gian văn hóa, du lịch”; kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn quận chậm.
Phần lớn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại, du lịch trên địa bàn quận là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khả năng hội nhập, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh còn hạn chế; số lượng, chất lượng các loại hình dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu; cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ du lịch chưa đồng bộ, thiếu về số lượng, chất lượng.
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thanh Bình ghi nhận, thời gian qua quận Hoàn Kiếm đã quan tâm đặc biệt tới phát triển du lịch và cụ thể hóa thành các chương trình, đề án. Tuy nhiên, nhiều công trình chưa được khai thác hết, nhiều đề án chưa triển khai được. Vì vậy, quận Hoàn Kiếm cần quan tâm khắc phục những khó khăn, hạn chế, có biện pháp mạnh mẽ hơn trong việc phục hồi du lịch; rà soát quy hoạch đầu tư hệ thống hạ tầng du lịch (giao thông cộng cộng, giao thông tĩnh-bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng) để khai thác hết tiềm năng du lịch của quận.
Trong đó, cần đổi mới mới hơn nữa, có sản phẩm du lịch mới theo hướng độc đáo, đặc sắc, hấp dẫn; đổi mới sản phẩm theo quy hoạch du lịch của thành phố, tạo ra sản phẩm du lịch văn hoá, trải nghiệm, giải trí có chất lượng cao; tiếp tục đổi mới ở phố đi bộ để tăng thêm giá trị kinh tế.