Anh - Mỹ xích lại gần nhau: Củng cố mối quan hệ đồng minh
Thế giới - Ngày đăng : 07:13, 12/06/2023
Cuộc hội đàm giữa Thủ tướng R.Sunak và Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng là cuộc gặp thứ tư giữa hai nhà lãnh đạo trong vòng 4 tháng và là cuộc gặp thứ năm kể từ khi ông R.Sunak trở thành Thủ tướng Anh. Sau những bước tiến đã đạt được khi thành lập Liên minh Đối tác an ninh tăng cường 3 bên Australia - Anh - Mỹ (AUKUS) nhằm triển khai những kế hoạch thể hiện tầm nhìn chung về mặt chiến lược tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, kết quả chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Anh được cho là sẽ định hình hợp tác về kinh tế giữa hai nước trong thời gian tới. Với Tuyên bố Đại Tây Dương, Anh và Mỹ nhất trí thúc đẩy quan hệ thương mại trong các lĩnh vực chủ chốt như trí tuệ nhân tạo (AI), viễn thông 5G và 6G, máy tính lượng tử, chất bán dẫn và công nghệ sinh học, với cam kết nới lỏng những rào cản bảo hộ, thắt chặt hơn nữa quan hệ quốc phòng và hợp tác trong bảo vệ dữ liệu.
Ngoài ra, nội dung Tuyên bố Đại Tây Dương cũng đề cập việc giảm thiểu tác động của Luật giảm lạm phát được Tổng thống Mỹ J.Biden ký ban hành tháng 8-2022. Thông qua một thỏa thuận về khoáng sản quan trọng, Mỹ cho phép các nhà sản xuất ô tô điện của Anh sử dụng pin do Anh sản xuất hoặc sản phẩm có nguồn gốc từ các quốc gia như Nhật Bản mà Mỹ có thỏa thuận về khoáng sản quan trọng, được hưởng khoản tín dụng thuế trị giá 3.750 USD/xe, giúp chuỗi cung ứng xe điện non trẻ của Anh được hưởng lợi. Bên cạnh đó, Tổng thống J.Biden cũng cam kết yêu cầu Thượng viện Mỹ phê duyệt Anh là "nguồn nội địa" theo Luật mua sắm quốc phòng của Mỹ, giúp thúc đẩy hợp tác nhanh và hiệu quả hơn về công nghệ quân sự giữa hai nước.
Thủ tướng Anh R.Sunak nhấn mạnh, mối quan hệ Anh - Mỹ là quan hệ đồng minh không thể thiếu khi hai nước cùng chia sẻ niềm tin, theo đuổi cùng mục đích và hành động cùng lý tưởng. Ông khẳng định, Mỹ là đồng minh thân cận nhất của Anh và hai nước là đối tác ưu tiên hàng đầu của nhau trong mọi lĩnh vực, từ bảo đảm an ninh cho người dân đến phát triển kinh tế. Theo nhà lãnh đạo Anh, bằng cách kết hợp các nguồn lực kinh tế rộng lớn và chia sẻ chuyên môn, hai nước sẽ phát triển kinh tế, tạo ra việc làm và bảo đảm an toàn lâu dài cho người dân. Trong khi đó, Tổng thống J.Biden khẳng định mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước đang thực sự tốt đẹp và không có quốc gia nào gần gũi với Mỹ hơn Anh.
Hiện tại, Mỹ đang là đối tác thương mại lớn nhất của Anh (chiếm tới 16,3% tổng giao dịch ngoại thương), theo sau đó là Đức, Hà Lan, Pháp và Trung Quốc. Đối với Mỹ, Anh là đối tác thương mại lớn thứ 7, sau Trung Quốc, Canada, Mexico, Nhật Bản, Đức và Hàn Quốc. Tổng kim ngạch thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa Anh và Mỹ năm 2022 là 279,2 tỷ bảng (tương đương 350 tỷ USD).
Theo các nhà bình luận, thông qua kết quả chuyến thăm của Thủ tướng R.Sunak, Washington và London đã chứng minh rằng, mối quan hệ Mỹ - Anh vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết, bất chấp những biến động kinh tế và chính trị gần đây. Việc hai ông R.Sunak và J.Biden đều phải đối mặt với cuộc bầu cử vào năm 2024, khởi động bằng các chiến dịch tranh cử vào mùa thu tới, cũng có thể là lý do đưa hai nhà lãnh đạo xích lại gần nhau hơn.