Cảnh báo tai nạn thương tích khi trẻ nghỉ hè

Đời sống - Ngày đăng : 06:12, 12/06/2023

(HNM) - Nghỉ hè thường là thời điểm nhiều trẻ nhập viện do gặp phải các tai nạn thương tích, như: Đuối nước, bỏng, ngã, hóc dị vật, tai nạn giao thông, điện giật... Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại một số bệnh viện trên địa bàn Thủ đô, mới là những ngày đầu hè nhưng số bệnh nhi nhập viện do tai nạn thương tích đã gia tăng.

Giáo dục kỹ năng phòng, tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em là một việc làm rất quan trọng và cần thiết. Ảnh: Hải Anh

Nhiều tai nạn thường gặp

Chiều 31-5 vừa qua, bé C.T (6 tuổi, ở Hà Nội) được gia đình cho đến chơi ở một bể bơi. Tại đây, bé bị đuối nước, được đưa lên bờ trong tình trạng tím tái, ngừng tim, ngừng thở. Ngay lập tức, bé C.T được đưa đến cấp cứu ở một bệnh viện cách nơi gặp nạn khoảng 5 phút di chuyển và sau đó được chuyển đến Bệnh viện Nhi trung ương. Tại Khoa Điều trị tích cực nội khoa của bệnh viện này, sau khi được điều trị, bé đã tỉnh, tự thở nhưng vẫn phải tiếp tục theo dõi lâu dài vì các di chứng thần kinh có thể xảy ra.

Chỉ tính trong 6 ngày (từ 30-5 đến 4-6-2023), Khoa Điều trị tích cực nội khoa (Bệnh viện Nhi trung ương) đã tiếp nhận 7 trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch do đuối nước tại bể bơi và ao hồ. Trong số này, có 3 trẻ ngừng tim kéo dài và 4 trẻ suy hô hấp nguy kịch. Điều đáng nói, trong số 7 trẻ chỉ có duy nhất 1 trẻ được hồi sức ban đầu đúng cách, các trường hợp còn lại đều cấp cứu sai cách. Nhiều trường hợp dù không tỉnh, không thở nhưng không được kịp thời hồi sức tim phổi (thổi ngạt, ép tim), vô tình làm mất đi “thời điểm vàng” để cứu sống trẻ.

Không chỉ đuối nước, tại Đơn vị bỏng - Khoa Chỉnh hình (Bệnh viện Nhi trung ương) cũng vừa tiếp nhận 3 trẻ 2-3 tuổi bị bỏng nặng và hoại tử da do bàn tay mài vào dây curoa của máy chạy bộ tại nhà. Trong đó, bé gái T.T (3 tuổi, ở Hà Nội) bị bỏng nặng nhất. Tai nạn xảy ra khi bé T.T sang nhà người bác chơi. Thấy bác đang chạy bộ trên máy tập nên dùng tay nghịch. Hậu quả, bé bỏng ma sát khiến các ngón tay bị tổn thương sâu, lộ gần hết phần gân cơ…

Một trường hợp khác, khi trèo lên ghế, vô tình bé V.A.Q (10 tuổi, ở Hà Nội) bị ngã vào que têm trầu ở bình vôi. Quá hốt hoảng, gia đình vội rút que têm trầu khiến vết thương chảy máu nhiều, trẻ bị tím tái. Do vết thương rất sâu, gần tim nên bệnh nhi mất máu nhiều, suy hô hấp, máu tràn vào màng phổi có thể tử vong bất cứ lúc nào. Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất, bé được cấp cứu kịp thời và được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn để thực hiện phẫu thuật lồng ngực. May mắn, ca phẫu thuật thành công và bé V.A.Q được cứu sống.

Từ đầu tháng 5-2023 đến nay, số trẻ gặp tai nạn thương tích đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn gia tăng. Trong đó, trẻ 2-5 tuổi thường bị bỏng, hóc dị vật, uống nhầm hóa chất, ngã… Còn với độ tuổi 6-14, tai nạn thường là đuối nước, điện giật, tai nạn giao thông, ngã… Riêng tại Khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn), trung bình mỗi ngày tiếp nhận 20-30 ca (tăng 30-50% so với các tháng trước đó), trong đó đa số là trẻ từ 6 đến 11 tuổi.

Chăm sóc, điều trị tích cực cho bệnh nhi bị đuối nước tại Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: Trần Việt

Giám sát trẻ mọi lúc, mọi nơi

Trong số các tai nạn thương tích mà trẻ hay gặp phải trong dịp nghỉ hè, đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ từ 5 đến 14 tuổi. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, những năm gần đây, trung bình mỗi năm ở nước ta có gần 2.000 trẻ dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước.

Tai nạn thương tích xảy ra ở trẻ em có thể trở thành nỗi ám ảnh theo suốt cuộc đời trẻ cũng như để lại nỗi xót xa, day dứt đeo đẳng với các bậc phụ huynh. Điều đáng nói, đa phần các trường hợp bị tai nạn thương tích đều xuất phát từ sự chủ quan, sơ suất của chính gia đình.

Để phòng tránh đuối nước, Tiến sĩ, bác sĩ Phan Hữu Phúc, Viện trưởng Viện Đào tạo và nghiên cứu sức khỏe trẻ em (Bệnh viện Nhi trung ương) cho rằng, cần giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước (cho trẻ từ lớp 1) và dạy trẻ bơi an toàn. Cùng với đó, tuyên truyền cho người chăm sóc trẻ luôn quản lý, giám sát trẻ mọi lúc, mọi nơi, đồng thời phổ biến các biện pháp phòng ngừa, cấp cứu ban đầu cho người dân. Đặc biệt, tại các khu vực bơi công cộng phải có sự giám sát bởi nhân viên cứu hộ được huấn luyện kỹ thuật cứu hộ. Còn tại các khu vực như: Ao, hồ, sông ngòi... phải có biển cảnh báo. Với các dụng cụ chứa nước trong gia đình phải có rào chắn, nắp đậy…

Bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) cũng lưu ý, nhiều trẻ bị ngã hay bị tai nạn gãy xương nhưng không được phát hiện sớm, để lại di chứng về vận động. Do đó, đối với trẻ nhỏ, khi thấy trẻ bị đau, bỏ ăn, có những biểu hiện bất thường…, cha mẹ nên đưa đến thăm khám tại cơ sở y tế chuyên khoa. Ngoài ra, cha mẹ không cho trẻ chơi ở nơi đang nấu ăn hoặc gần nguồn điện; không cho trẻ nhỏ tiếp xúc với diêm quẹt, bật lửa, lửa, nước sôi, thức ăn nóng, cồn, xăng, hóa chất…

Vào mỗi dịp hè, trẻ được nghỉ học, tự do vui chơi, có thể thiếu sự giám sát của người lớn nên dễ gặp phải các tai nạn thương tích. Do đó, các bậc phụ huynh nên cố gắng dành thời gian quan tâm đến trẻ nhiều hơn, đồng thời thường xuyên dặn dò, giáo dục trẻ về các mối nguy hiểm, rủi ro có thể xảy ra và cách phòng tránh. Đặc biệt, đối với trẻ lớn, cha mẹ phải kiểm soát chặt chẽ thời gian sinh hoạt của các em. Cha mẹ phải thường xuyên giáo dục, nhắc nhở trẻ không được leo trèo, bơi lội ở ao, hồ, sông, biển khi không có người lớn.

Thu Trang