Loại bỏ “rào cản” để thu hút đầu tư dự án tạo nguồn điện mới

Đầu tư - Ngày đăng : 08:30, 11/06/2023

(HNMO) - Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cho rằng: Các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng tái tạo thiếu hợp lý, trong khi lại có nhiều "rào cản" về giấy tờ, thủ tục để thu hút đầu tư các dự án tạo nguồn điện mới là nguyên nhân dẫn đến thiếu điện ở miền Bắc.

Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn.

- Những cảnh báo về thiếu điện tại các tỉnh miền Bắc là câu chuyện không mới. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng hiện nay, thưa ông?

- Đúng là vấn đề thiếu điện không phải bây giờ mới nói đến mà đã được cảnh báo cách đây 2 năm. Ngay trong các kịch bản dự báo, phân tích đánh giá khi phục vụ cho quá trình làm Quy hoạch điện VIII (Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 - PV) cũng đều đề cập đến rủi ro rất lớn cho cung ứng điện khu vực miền Bắc trong 2 năm 2023 và 2024.

Lý do bởi thời gian gần đây, chúng ta không có bất cứ nguồn cung điện nào mới. Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (tỉnh Thái Bình) đã được xây dựng hơn 10 năm, sau nhiều trục trặc đã may mắn về đích, hòa lưới thành công vào tháng 4 vừa qua. Về thủy điện, 3 đến 4 năm trở lại đây chúng ta đều nói câu rất quen thuộc: “Các dự án thủy điện lớn thì đã xây dựng hết cả rồi!”.

Ông dự báo ra sao về nguy cơ thiếu điện ở miền Bắc?

- Lựa chọn vô cùng khó khăn trong một vài năm tới trong đầu tư cho các nguồn điện mới, đặc biệt cho khu vực miền Bắc là làm như thế nào cho phù hợp. Bởi trong xu thế chuyển dịch không phụ thuộc vào nguồn năng lượng truyền thống, việc đầu tư điện khí hay các nguồn năng lượng mới lại quá xa. Để có hệ thống Nhà máy điện khí LNG xây dựng mới, đi vào vận hành, chúng ta phải mất thêm 3-5 năm nữa. Do đó nguy cơ thiếu điện còn rất cao.

- Nhiều chuyên gia cùng khẳng định, muốn ổn định hệ thống điện, phải có những nguồn điện lớn, ổn định. Vậy làm sao để thu hút các nhà đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này?

Để giải bài toán huy động vốn đầu tư cho nguồn, cho lưới điện, cần phải tạo cơ chế, điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư. Trong khi đó, cơ chế hiện nay còn rối rắm, gây khó khăn. Nhiều nhà đầu tư than phiền về rủi ro khi đầu tư vào các dự án điện tái tạo. Do đó, nếu chúng ta, dù có ca ngợi về tiềm năng đến đâu, nhưng nếu không xóa bỏ các "rào cản" về giấy tờ, thủ tục thì các nhà đầu tư, dù trong hay ngoài nước, cũng sẽ phải cân nhắc. 

- Quy hoạch điện VIII đã đặt ra những vấn đề này, thưa ông?

- Ngay cả với các mục tiêu được Quy hoạch điện VIII đặt ra, cũng cần các cơ chế, chính sách phù hợp, ổn định, rõ ràng, đủ độ mở và thoáng để các nhà đầu tư thấy các khoản tiền bỏ ra có thể sinh lời, không có rủi ro về pháp lý. Nếu không có cơ chế để khuyến khích đầu tư tư nhân, sẽ dễ dẫn đến tình trạng quy hoạch thiếu khả thi. 

Nhìn sang các nước châu Âu đã vượt qua khủng hoảng về giá nhiên liệu thời gian qua cũng cho thấy tỷ trọng đầu tư năng lượng tái tạo đã tăng 50.000 MW/năm. Nhờ có chính sách tuyên truyền và trợ giá phù hợp, nhu cầu tiêu dùng năng lượng đã giảm áp lực lên đơn vị cung ứng. Đặc biệt, nhiều cơ sở công nghiệp sử dụng năng lượng lớn đã phải cắt giảm sản xuất và đầu tư để thay đổi công nghệ. Đó là những bài học cho chúng ta về việc cần có cơ chế, chính sách phù hợp cho những hỗ trợ đầu tư vào năng lượng tái tạo, cung cấp khoản vay ưu đãi đối với các dự án đầu tư năng lượng tái tạo từ quy mô gia đình cho đến khối công nghiệp và thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Bảo Hân