Nguy cơ sốc nhiệt trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm
Sức khỏe - Ngày đăng : 15:59, 11/06/2023
Nhiều biến chứng nguy hiểm khi bị sốc nhiệt
Trong những ngày nắng nóng gay gắt, nhiệt độ ngoài trời Hà Nội lên tới hơn 40oC, làm ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân, làm gia tăng số ca cấp cứu do sốc nhiệt, đột quỵ và bệnh tim mạch. Mới đây, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) vừa cấp cứu thành công cho bệnh nhân nam bị nhồi máu não giờ thứ I.
Bệnh nhân là ông V.V.C (sinh năm 1968, trú tại phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai) nhập viện trong tình trạng liệt hoàn toàn nửa người bên phải, không nói được, méo miệng, huyết áp 180/100 mmHg. Theo lời bệnh nhân, khi ông đang trên đường trở về nhà thì bị ngã ra đường, không nói được kèm liệt nửa người bên phải. Sau khi chụp CT sọ não, các bác sĩ chẩn đoán nhồi máu não cấp giờ thứ I. Ngoài ra, bệnh nhân còn có tiền sử bị viêm tụy cấp, thường xuyên sử dụng rượu bia. Ông C đã được các bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch để cấp cứu. Nhờ can thiệp kịp thời vào điểm “giờ vàng”, chỉ một ngày sau khi nhập viện, ông C đã đi lại, nói chuyện bình thường.
Ghi nhận tại các bệnh viện, nhiều người cao tuổi có bệnh lý nền tương tự ông V.V.C rất dễ bị đột quỵ do thời tiết nắng nóng gay gắt, sốc nhiệt khi đi ngoài đường. TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức, Trưởng khoa Nội thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết, nhiều nghiên cứu cho thấy khi biểu đồ nhiệt độ tăng thêm 1oC thì nguy cơ đột quỵ tăng đến 10%.
Theo bác sĩ Đức, nhóm có nguy cơ cao bị sốc nhiệt và đột quỵ khi thời tiết nắng nóng gồm trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người mắc các bệnh lý nền mạn tính (bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường...), người làm việc, vận động lâu dưới nắng nóng, người tiếp xúc đột ngột với môi trường nhiệt độ cao, người có lối sống thiếu khoa học (hút thuốc, uống nhiều rượu bia, béo phì...).
Ngoài ra, những người đang sử dụng các loại thuốc lợi tiểu, thuốc chống trầm cảm loại ba vòng, thuốc điều trị cao huyết áp... cũng có nguy cơ bị sốc nhiệt và đột quỵ cao hơn người bình thường.
Chủ động phòng tránh sốc nhiệt
Các bác sĩ cho biết, có hai loại sốc nhiệt do nắng nóng. Một là say nắng khi đang vận động, tập luyện quá sức. Hai là say nắng thụ động - đi đứng hoặc làm việc dưới nhiệt độ cao trong khoảng thời gian dài.
Khi bị sốc nhiệt, đột quỵ do nắng nóng, người bệnh có những biểu hiện ban đầu điển hình như mặt đỏ, môi, da khô, mạch nhanh, thở nhanh, đau đầu, chóng mặt, vã mồ hôi, hoa mắt, khó thở, thở gấp... Sau đó, bệnh nhân có thể xuất hiện tình trạng trụy mạch, sốt cao (từ 39 - 40oC), hôn mê...
Do đó, để bảo vệ sức khỏe, tránh bị sốc nhiệt, người dân chú ý sắp xếp không gian nhà ở, nơi làm việc bảo đảm thoáng mát, sử dụng quần áo bảo hộ lao động, mũ, găng tay, kính râm, mặc quần áo rộng, dễ thấm mồ hôi. Nếu phải lao động ngoài trời thì nên điều chỉnh giờ làm việc hợp lý, tránh những lúc nắng nóng đỉnh điểm; hạn chế tới mức thấp nhất việc để ánh nắng tiếp xúc trực tiếp lên cơ thể, nhất là vùng đầu, vai, gáy.
Khi gặp vấn đề về sức khỏe do nắng nóng, ở mức độ nhẹ, người nhà cần chuyển ngay bệnh nhân vào chỗ mát, thoáng gió; nới lỏng quần áo; cho bệnh nhân uống nước từng ngụm nhỏ, tốt nhất là uống nước có bổ sung muối và khoáng chất như nước Oresol. Trường hợp bị nặng thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được điều trị.
Người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột mà cần có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài; không nên để điều hòa ở chế độ nhiệt quá thấp so với nền nhiệt ngoài trời.
Mọi người cần uống tối thiểu 1,5 - 2 lít nước/ngày, uống thành nhiều lần trong ngày, chú ý luyện tập thể dục, rèn luyện sức khỏe để nâng cao sức đề kháng. Những bệnh nhân có bệnh lý nền như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường cần tuân thủ việc dùng thuốc, kiểm soát huyết áp, đường huyết theo đúng hướng dẫn. Đặc biệt, người có nguy cơ nên tầm soát đột quỵ định kỳ để kịp thời phát hiện các yếu tố bất thường, ngăn chặn đột quỵ xảy ra.