Kim ngạch xuất khẩu nông sản có đạt mục tiêu?
Nông nghiệp - Ngày đăng : 09:52, 11/06/2023
Kim ngạch nhiều mặt hàng trọng điểm giảm sâu
Theo thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành Nông nghiệp 5 tháng đạt 20,26 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm nông sản đạt 10,3 tỷ USD, tăng 9,9%; chăn nuôi 190 triệu USD, tăng 34,5%; thủy sản 3,47 tỷ USD, giảm 25,9%; lâm sản 5,52 tỷ USD, giảm 26,8%...
Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho hay: Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường lớn nhất. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 20,4%, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước; Hoa Kỳ chiếm 19,8%, giảm 35,2% và Nhật Bản chiếm 7,8%, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch nhiều mặt hàng trọng điểm giảm mạnh như: Cao su đạt 799 triệu USD, giảm 24,0%; chè 65 triệu USD, giảm 18,9%; hồ tiêu đạt 414 triệu USD, giảm 9,9%; sắn và sản phẩm sắn đạt 539 triệu USD, giảm 14,3%. Đặc biệt, thủy sản và lâm sản là hai mặt hàng trọng điểm xuất khẩu của Việt Nam, đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu của ngành, sụt giảm sâu: Xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 3,47 tỷ USD, giảm 25,9%; lâm sản đạt 5,52 tỷ USD, giảm 26,8%.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta Hồ Quốc Lực cho biết: Giá nguyên liệu cho thủy sản tăng, cầu thị trường thế giới giảm sút đang là những thách thức lớn đối với doanh nghiệp, lượng hàng xuất khẩu giảm một nửa so với năm trước.
Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe phân tích, hiện giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản tăng cao kỷ lục và không ổn định, dẫn đến giá thành sản xuất thức ăn thủy sản và sản phẩm thủy sản đều cao. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đang loay hoay với bài toán giá thành và năng lực cạnh tranh.
Về nguyên nhân sụt giảm của kim ngạch xuất khẩu nông sản, ông Nguyễn Quốc Toản cho rằng, lạm phát cao tại một số quốc gia phát triển, việc thắt chặt tiền tệ, nhất là ở các thị trường lớn như Hoa Kỳ và châu Âu, bên cạnh đó là các chính sách tăng cường bảo hộ sản xuất nội địa... khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong ký kết, xuất khẩu đơn hàng.
Liệu ngành Nông nghiệp có đạt mục tiêu xuất khẩu?
Tái cơ cấu sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu
Trái ngược những diễn biến nêu trên, 5 tháng qua, nhiều mặt hàng nông sản lại có giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước, như: Cà phê đạt 2,02 tỷ USD, tăng 0,2%; rau quả 1,97 tỷ USD, tăng 39,0%; hạt điều 1,28 triệu USD, tăng 5,5%; thịt, phụ phẩm đạt 58 triệu USD, tăng 59,1%...
Điểm sáng nhất là gạo, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,02 tỷ USD, tăng 49,0%.
“Từ khi Trung Quốc mở cửa sau dịch Covid-19, xuất khẩu rau quả sang thị trường này tăng trưởng mạnh mẽ, kéo theo kim ngạch xuất khẩu rau quả nói chung bật tăng mạnh, đạt 1,97 tỷ USD, tăng 39,0%. Ngoài ra, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong tháng 4 cũng tăng 11,35% so với tháng 3-2023, đạt 125,5 triệu USD”, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản thông tin.
Để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt ít nhất 55 tỷ USD như Chính phủ giao, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, các doanh nghiệp cần tận dụng khai thác đà tăng trưởng từ mặt hàng gạo, rau quả và một số nhóm ngành hàng thế mạnh như tiêu, cà phê, gia vị…
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tận dụng các Hiệp định thương mại thế hệ mới để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực; cơ quan chức năng tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới, phối hợp bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.
“Ngành Nông nghiệp tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả, nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, báo cáo Tổ điều hành thị trường trong nước, Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ, phối hợp với các địa phương hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chia sẻ.
Cùng với đó, Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp các bộ, ngành, địa phương, tham tán tại các nước trong tổ chức các hoạt động: Diễn đàn kết nối thúc đẩy xuất khẩu rau gia vị và gia vị sang thị trường EU; Diễn đàn 970 hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản; tọa đàm phổ biến thông tin, quy định thị trường và thị hiếu tiêu dùng, kết nối tiêu thụ qua nền tảng số. Việc tái cơ cấu sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu cũng là việc làm cấp bách. Đồng thời, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược kinh doanh tập trung vào chế biến, nâng cao giá trị từ sản phẩm chế biến...