Cần chấm dứt tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống tín dụng

Tài chính - Ngày đăng : 16:52, 10/06/2023

(HNMO) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ năm, chiều 10-6, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận toàn thể ở hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Nhiều đại biểu quan tâm đến việc xử lý sở hữu chéo liên quan đến các tổ chức tín dụng vàcho rằng  cần chấm dứt tình trạng này.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường chiều 10-6.

Phòng ngừa các rủi ro cho hệ thống ngân hàng

Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cho biết, trong các phiên giải trình chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thường xuyên nhắc tới việc phòng ngừa rủi ro, dự thảo luật cũng có nhiều quy định để phòng ngừa các rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, từ vụ việc liên quan đến các ngân hàng ở Việt Nam thời gian qua, đại biểu cho rằng, cần thiết kế thêm các quy định đề phòng rủi ro mang tính chất hệ thống, để khi xảy ra sự cố thì hệ thống có thể chống đỡ hiệu quả. 

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) thảo luận.

Đại biểu cũng quan tâm đến việc xử lý sở hữu chéo liên quan đến các tổ chức tín dụng. Theo đại biểu, đây là vấn đề rất khó khăn, những quy định tại Điều 55, Điều 127 trong dự thảo chưa đủ mạnh để chấm dứt tình trạng sở hữu chéo. Các giải pháp trong dự thảo luật còn thụ động, chưa hiệu quả. Nhấn mạnh, việc chấm dứt sở hữu chéo liên quan đến việc công khai, minh bạch, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm, đại biểu đề nghị xem xét, thiết kế lại mô hình cơ quan giám sát, kiểm tra tài chính liên quan đến ngân hàng, để giải quyết hiệu quả hơn nữa vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Hải Trung (Đoàn Hà Nội) cho rằng, tình trạng sở hữu chéo, thao túng lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn là vấn đề đáng lo ngại. Dự thảo Luật sửa đổi, điều chỉnh giảm tỷ lệ sở hữu của các cá nhân, tổ chức, tăng tính đại chúng của các tổ chức tín dụng và mở rộng thêm các diện đối tượng liên quan là cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng các giải pháp nêu trong dự thảo chỉ là giải pháp kỹ thuật để hạn chế các cổ đông lớn. 

Đại biểu Nguyễn Hải Trung (Đoàn Hà Nội) thảo luận.

Theo đại biểu, cần nghiên cứu bổ sung các quy định tăng cường vai trò của Ngân hàng Nhà nước để hạn chế hành vi lạm quyền của cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của các tổ chức tín dụng. Hai là, cần nghiên cứu, có thêm các biện pháp, giải pháp để quản lý, kiểm soát việc lách luật, sử dụng nhiều cá nhân pháp nhân khác đứng tên cổ phần tạo nhóm cổ đông lớn để điều hành các tổ chức tín dụng.

Cho ý kiến về quy định liên quan đến việc cung cấp thông tin cho các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm, đại biểu Nguyễn Hải Trung cho rằng, quy định trong dự thảo Luật chưa đáp ứng được yêu cầu về mặt thời gian trong thực tiễn của công tác phòng, chống tội phạm, nhất là phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo trên không gian mạng.

Tình hình tội phạm sử dụng không gian mạng và công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc, tổ chức đánh bạc, rửa tiền hiện đang diễn biến rất phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, theo đại biểu, cần thiết ban hành quy định và rút ngắn về thời gian cung cấp thông tin tài khoản khách hàng để phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và có thể giao Chính phủ nghiên cứu quy định chi tiết.

Quy định về sự can thiệp sớm của tổ chức tín dụng

Làm rõ quy định không thực hiện dự trữ bắt buộc đối với ngân hàng chính sách, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, nên mở rộng các đối tượng khác có khả năng tài chính, uy tín, thay vì chỉ bó hẹp như dự thảo Luật quy định chỉ có 2 tổ chức được mua bán nợ. Về việc quỹ dự trữ bắt buộc, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, quy định về Quỹ đầu tư phát triển là rất cần thiết nhưng dự thảo luật chưa quy định rõ các yêu cầu liên quan đến mức trích lập Quỹ, điều kiện lập và vận hành Quỹ để bảo đảm có hiệu quả. 

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp).

Về áp dụng các biện pháp can thiệp sớm, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, chưa có đánh giá làm rõ tương quan giữa giám sát tăng cường đến can thiệp sớm, chưa có biện pháp kiểm soát đặc biệt để nâng cao hơn tinh thần trách nhiệm. Đồng thời, cần quy định việc can thiệp sớm của tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý nhà nước nếu để xảy ra các trường hợp phải can thiệp sớm mà chưa có biện pháp xử lý từ đầu. Vì thế, đại biểu đề nghị bổ sung trong dự luật biện pháp không cho phép tổ chức tín dụng thực hiện các khoản đầu tư và làm rõ là bị rút tiền hàng loạt đến mức độ nào thì cần có sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo sự minh bạch. 

Về khoản vay đặc biệt, đại biểu Phạm Văn Hòa đồng tình với những nội dung quy định trong dự thảo là rất cần thiết để đảm bảo an toàn cho cả hệ thống, tạo lòng tin tưởng tuyệt đối với khách hàng. Tuy nhiên, cần rạch ròi khi áp dụng với sự cố rút tiền hàng loạt hoặc có nguy cơ đổ vỡ cả hệ thống, gây bất ổn cho xã hội. 

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, quy định bảo mật thông tin khách hàng tại Điều 14 của dự thảo Luật chưa thật sự đầy đủ. Theo đại biểu, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, giữ bí mật cá nhân, gia đình. Thông tin về đời sống riêng tư cá nhân hoặc gia đình được pháp luật bảo đảm theo Hiến pháp, trừ các trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội…

Vì vậy, đại biểu đề nghị sửa lại Điều 14 theo hướng chỉ cung cấp thông tin khách hàng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và các luật có liên quan; đồng thời, đề nghị chỉ yêu cầu cung cấp thông tin đối với những khách hàng có liên quan đến vụ án được khởi tố, điều tra…

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn Thái Bình) phát biểu.

Phát biểu tranh luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn Thái Bình) cho rằng, các doanh nghiệp đang rất cần tiếp cận nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh, người dân cũng có những nhu cầu cấp thiết về tiêu dùng. Ngân hàng có tiền, nhưng theo cơ chế không thể cho doanh nghiệp, người dân vay. Vì vậy, đại biểu đề nghị, trong mục đích, quan điểm xây dựng luật, cần thể hiện rõ cơ chế tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận với nguồn tài chính. Trong đó, Ban soạn thảo cần bám sát hơn nữa nhu cầu tài chính của người dân và doanh nghiệp trong tình hình hiện nay để tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, giải quyết bức xúc trong xã hội đối với việc thiếu vốn.

Đình Hiệp