Muôn kiểu tiết kiệm điện ở Thủ đô
Xã hội - Ngày đăng : 14:15, 10/06/2023
Tiết kiệm từ trong nhà...
Đầu mỗi mùa hè, anh Nguyễn Trọng Quân (52 tuổi, quận Hai Bà Trưng) đều định kỳ thuê thợ đến làm vệ sinh 2 thiết bị điều hòa của gia đình. Anh giải thích rằng, sau một mùa cao điểm sử dụng, các lưới lọc gió và hốc đẩy gió lạnh bị bám chặt bụi bẩn khiến máy lạnh hoạt động kém hiệu quả. Việc vệ sinh tuy đơn giản nhưng sẽ giúp tiết kiệm điện từ thiết bị vốn được coi là “sát thủ” tiền điện của mỗi gia đình khi thời tiết nắng nóng.
Anh Quân cũng thường xuyên dặn các con khi sử dụng điều hòa, đặt nhiệt độ trên 26 độ C, kết hợp bật thêm quạt làm mát và đóng thật kín các cửa phòng. Ngoài ra, để tiết kiệm triệt để hơn, mỗi tối, cả 4 người nhà anh đều dồn vào sinh hoạt trong một phòng để chỉ sử dụng một điều hòa. “Thói quen “vào bật, ra tắt” được người lớn gương mẫu thực hiện và liên tục nhắc để trẻ nhỏ cùng làm theo, quyết không lãng phí điện”, anh Quân chia sẻ.
Là “nội tướng” quán xuyến mọi việc trong gia đình, chị Chu Minh Hà (39 tuổi, quận Thanh Xuân) cũng có những "bí quyết" tiết kiệm điện hiệu quả từ những việc tưởng như nhỏ nhặt như rút phích cắm các thiết bị khi không dùng đến như sạc pin, ổ cắm ti vi, ấm đun siêu tốc, lò vi sóng, nồi chiên không dầu hay lò nướng.
“Để tiết kiệm điện khi sử dụng bình đun siêu tốc, cần thường xuyên dùng dấm trộn với bột banking soda tẩy sạch mảng bám, các vết cáu bẩn bám dưới đáy bình, giúp tăng khả năng trao đổi nhiệt, hay phải đậy kín nắp bình khi đun và đun lượng nước đúng theo vạch quy định”, chia sẻ của chị Hà trên một nhóm mạng xã hội được nhiều thành viên khác học theo.
Không riêng với bình siêu tốc, khi sử dụng các thiết bị điện tử khác trong mùa hè, việc tuân thủ đúng theo các khuyến cáo của chuyên gia sẽ giúp hóa đơn tiền điện các gia đình giảm đi đáng kể. Chẳng hạn, dù nhiều gia đình đã sắm đủ bộ đôi máy giặt, máy sấy quần áo tiện dụng nhưng trong mùa hè sẽ không cần đến máy sấy, mà tận dụng ánh nắng mặt trời phơi khô đồ. Ngoài ra, khi sử dụng các chế độ giặt, luôn chú ý để nhiệt độ nước ở mức tự nhiên, không sử dụng nước có nhiệt độ cao hoặc chọn công suất vắt quá lớn.
“Tôi thường xuyên nhắc các con hạn chế mở tủ lạnh quá nhiều lần hoặc mở tủ quá lâu để chọn lựa đồ ăn. Thức ăn bảo quản trong tủ cũng phải để thật nguội, tuyệt đối không đặt đồ nóng. Tôi cũng làm thêm các túi đá sạch để quanh thực phẩm tươi sống để nếu có cắt điện trong một ngày, thực phẩm vẫn được bảo quản tốt”, chị Hoàng Vân Hà (37 tuổi, quận Hoàn Kiếm) nói.
Dù mới về sinh sống tại khu đô thị Việt Hưng nhưng anh Nguyễn Đức Minh (45 tuổi, quận Long Biên) đã hòa nhập và chấp hành tốt nội quy sinh hoạt. Thấy việc bật cả 4 bóng đèn tại các làn cầu thang lên các tầng là lãng phí, mỗi tối, anh đều chỉ bật một nửa số bóng. 5 giờ sáng hôm sau, khi đi tập thể dục, anh cũng là người tắt đèn sớm.
Bà Nguyễn Thị Hường, phụ trách vệ sinh cho khu vực nhận xét, trong khu không phải ai cũng có ý thức như anh Minh, bởi bà đã chứng kiến khi anh vừa tắt đèn thì lại có người quen tay bật lên hoặc không có thói quen tắt đèn dù trời đã sáng. Do đó, bà đã kiến nghị Ban quản lý tòa nhà ghi lên bảng thông báo các nguyên tắc sử dụng đèn chiếu sáng tiết kiệm tại khu vực cầu thang và hành lang chung để mọi người cùng thống nhất thực hiện.
... ra đến ngoài đường phố
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, đến cuối tháng 5 vừa qua, toàn bộ 63 tỉnh, thành đã ban hành văn bản chỉ đạo đẩy mạnh, tăng cường tiết kiệm điện tại địa phương trong mùa khô và cả năm 2023. Hà Nội được đánh giá là một trong những thành phố lớn có ý thức đi đầu và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố đã cắt giảm hệ thống chiếu sáng công cộng; giảm đèn chiếu sáng quảng cáo, giải trí. Hầu hết các trung tâm thương mại, khu vực vui chơi, giải trí, các khách sạn, nhà hàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh đều được tuyên truyền, vận động để điều chỉnh phụ tải, tiết kiệm điện phù hợp với đặc điểm hoạt động của mình...
Các khách sạn lớn vốn là nơi lung linh bậc nhất về đêm như Sofitel Metropole, Melia (quận Hoàn Kiếm) hay Marriott (quận Nam Từ Liêm) đều đã chủ động tiết giảm hệ thống chiếu sáng mặt tiền và sân vườn, tiểu cảnh cũng như các biển hiệu quảng cáo. Hệ thống trung tâm thương mại AeonMall cũng là đơn vị chủ động tiết kiệm điện. Ông Nguyễn Đình Quyết - Giám đốc điều hành AeonMall Hà Đông cho biết, từ đầu tháng 5, Trung tâm đã cài đặt điều hòa từ 27 độ C trở lên, tắt đèn chiếu sáng khu vực hành lang, tắt điện chiếu sáng trang trí và giảm đèn chiếu sáng tại các khu vực sảnh chờ. Các gian hàng trong trung tâm thương mại cũng được tuyên truyền, vận động để giảm việc sử dụng các thiết bị điện.
Cùng trên địa bàn quận Hà Đông, tiết kiệm điện còn lan rộng vào khối các bệnh viện lớn. Tiến sĩ Trần Trọng Hữu, Trưởng ban điều hành và quản lý các tòa nhà Bệnh viện Quân y 103 cho biết, đã thực hiện tiết giảm khoảng 30% nhu cầu về điện so với công suất thiết kế của các tòa nhà. Hệ thống điều hòa được cài đặt để chỉ có thể điều chỉnh từ 26 độ C trở lên. 1/3 số thang máy được giảm vận hành vào những khung giờ không phải cao điểm và giảm bớt 1/2 số điểm dừng để khuyến khích cán bộ, công nhân viên di chuyển thang bộ giữa các tầng. Ban quản lý các tòa nhà cũng đã tiết giảm tối đa hệ thống chiếu sáng công cộng, tắt các biển quảng cáo và khóa van vòi sử dụng nước nóng cho việc giặt giũ tại các buồng bệnh.
Tuy nhiên, ngoài những đơn vị đã thực hiện tốt, có ý thức cao trong tiết kiệm điện, trên đường phố Hà Nội những ngày này vẫn dễ dàng bắt gặp những cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh nhỏ, thậm chí một số trụ sở các cơ quan, đơn vị hay các khách sạn lớn vẫn còn “đứng ngoài cuộc” khi vẫn sử dụng tối đa các biển hiệu quảng cáo hay đèn trang trí.
“Khi cán bộ, công nhân viên điện lực có mặt, tuyên truyền, vận động thì chủ các cửa hàng, cửa hiệu chấp hành. Tuy nhiên, khi vắng bóng cán bộ điện lực, đèn sẽ được bật trở lại với lý do để hút khách. Sự chấp hành thiếu nghiêm túc này khiến nhân viên điện lực, vốn đã rất áp lực và vất vả trong những ngày nắng nóng cao điểm, phải mất thời gian đi lại mà hiệu quả chưa cao”, ông Hoàng Minh Thủy, Giám đốc Công ty Điện lực Hà Đông chia sẻ.
Trong bối cảnh các nguồn cấp điện chủ yếu từ các nhà máy thủy điện đang bị ảnh hưởng do thiếu nước và nhiệt điện tại miền Bắc gặp sự cố như hiện nay, ngành điện đang nỗ lực tối đa thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm bảo đảm vận hành an toàn cho hệ thống. Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, ngành điện cần nhất là sự đồng hành, chung tay của người dân thực hành tiết kiệm điện. Từ những việc làm nhỏ, làm thường xuyên, liên tục, sẽ hình thành thói quen và nếp sống văn minh, hướng tới giữ gìn, bảo vệ lợi ích cho cá nhân và cả cộng đồng.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 8-6 về việc tăng cường tiết kiệm điện, trong đó yêu cầu, trong giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo, cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ; giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025.
Một số mục tiêu cụ thể được đặt ra cao hơn so với những năm trước đây, như tiết kiệm điện trong khối hành chính sự nghiệp là 5%; chiếu sáng công cộng là 30%; chiếu sáng cho quảng cáo, trang trí ngoài trời đến 50%. Đặc biệt, các cơ sở sử dụng năng lượng có điện năng tiêu thụ từ 1 triệu kWh/năm trở lên phải tiết kiệm ít nhất 2% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm mỗi năm hoặc phải tiết kiệm ít nhất 2% tổng điện năng tiêu thụ trong năm.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Võ Quang Lâm cho biết, theo số liệu năm 2022, cả nước có gần 5.000 doanh nghiệp trọng điểm đang sử dụng 34% điện năng toàn quốc. Nếu từng doanh nghiệp đều có biện pháp, kế hoạch triển khai tiết kiệm điệm, sử dụng điện an toàn, hiệu quả hơn thì chúng ta có thể dành phần tiết kiệm này cho các nhu cầu sử dụng khác. Căn cứ theo Chỉ thị của Thủ tướng, EVN sẽ làm việc với UBND các tỉnh, thành trong toàn quốc với tinh thần phấn đấu tiết kiệm điện cao hơn so với mục tiêu đặt ra. Hiện tại, một số thành phố lớn, trong đó có Hà Nội đã có ý thức cao và nhiều giải pháp hiệu quả để tiết kiệm điện.