Ngành vật liệu xây dựng “kêu cứu”
Kinh tế - Ngày đăng : 12:46, 10/06/2023
Tại tọa đàm “Thị trường vật liệu xây dựng - Những điểm nghẽn và giải pháp” do Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, 8 Hội, Hiệp hội về vật liệu xây dựng chuyên ngành phối hợp tổ chức sáng 10-6 tại Hà Nội, các chuyên gia cho biết, 5 tháng đầu năm 2023, tình hình sản xuất, tiêu thụ của các doanh nghiệp xi măng giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2023. Với ngành Thép, sản xuất thép thô giảm 22% so với cùng kỳ, tiêu thụ giảm 18%; xuất khẩu giảm 78%; sản xuất thép xây dựng cũng giảm 26,4%; tiêu thụ giảm 26%, xuất khẩu giảm 41,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Với ngành kính xây dựng, năm 2020-2021, có khoảng 80% các đơn vị gia công, lắp đặt kính tạm dừng sản xuất, kinh doanh; doanh thu toàn ngành giảm 50-70% so với cùng kỳ các năm trước. Từ tháng 4-2022, thị trường bất động sản suy giảm nghiêm trọng khiến nhu cầu các sản phẩm kính xây dựng sụt giảm tới mức rất thấp.
Còn theo Chủ tịch Hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam Đinh Quang Huy, sản lượng sản xuất của các doanh nghiệp gốm sứ hiện chỉ duy trì 50 - 60% so với công suất thiết kế, song vẫn tồn kho 18 - 20% sản phẩm không tiêu thụ được.
Tình hình sản xuất, kinh doanh các doanh nghiệp gốm sứ xây dựng trong nước từ năm 2021 đến nay đã sụt giảm 30 - 35%. Đặc biệt, năm 2022 và quý I-2023, thị trường gốm sứ xây dựng hầu như “đóng băng” cả trong sản xuất và lưu thông. 10 - 15% số doanh nghiệp đang tồn tại ở điều kiện rất khó khăn và có nguy cơ phá sản.
Trong khi đó, vật liệu xây dựng kết cấu nền, móng đường giao thông lại đang ở tình trạng “không có để phát triển”. Theo PGS.TS Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam, hiện lượng mỏ có thể khai thác, sử dụng làm vật liệu đất đắp nền đường chỉ đáp ứng được khoảng 1/6 nhu cầu. Đặc biệt là tại các đoạn tuyến đi qua vùng đồng bằng, khối lượng vật liệu đất (cát) xử lý nền móng cần cung ứng rất lớn.
Tại tọa đàm, các chuyên gia đã chỉ ra những “điểm nghẽn” đang tác động lớn tới hoạt động sản xuất, tiêu thụ của ngành trong thời gian qua. Đó là tình trạng thị trường bất động sản suy giảm, ảnh hưởng đến đầu ra của ngành vật liệu. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư công có tiến độ giải ngân chậm và triển khai chậm hơn kế hoạch. Trong khi đó, giá cả năng lượng (điện, than...), nguyên liệu đầu vào, chi phí logistics, thuế xuất khẩu tăng, lãi suất ngân hàng cao... cũng ảnh hưởng lớn tới chi phí sản xuất, hoạt động của các doanh nghiệp.
Đặc biệt, theo Phó Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam Bùi Khắc Sơn, tình trạng nợ đọng tiền mua vật liệu khiến doanh nghiệp bị “bào mòn” nguồn lực.
Để “cứu” các doanh nghiệp vật liệu xây dựng, các Hội, Hiệp hội về vật liệu xây dựng kiến nghị Nhà nước có các chính sách, hỗ trợ để giải tỏa các vướng mắc về mặt pháp lý triển khai dự án, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nhằm thúc đẩy sự hồi phục của thị trường bất động sản. Đồng thời, thúc đẩy giải ngân, triển khai các dự án đầu tư công, có biện pháp khơi thông việc huy động vốn (trái phiếu doanh nghiệp)...
Các chuyên gia cũng đề xuất giải pháp thi công xây dựng các cầu cạn cho phát triển đường giao thông, sử dụng cát biển thay thế cho cát sông, vừa giải quyết được tình trạng thiếu đất đắp nền, tình trạng sụt lún, nước biển dâng tại khu vực trũng thấp.
Theo Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, ngay sau tọa đàm, Hội sẽ sớm báo cáo Chính phủ, Quốc hội thực trạng và kiến nghị, đề xuất các giải pháp tháo gỡ cho ngành vật liệu xây dựng.