Nơi hội tụ những trái tim nhân ái
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:42, 10/06/2023
Cô giáo như mẹ hiền
Ngày đầu về làm việc tại Làng Hữu nghị Việt Nam (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội), chị Đặng Thị Toàn xác định sẽ gánh thêm trách nhiệm mà từ trước đến nay chưa từng nghĩ đến: Làm mẹ của những trẻ khuyết tật. Giờ đây, sau gần 10 năm công tác với nhiệm vụ trực tiếp chăm sóc trẻ, chị luôn được các con yêu quý. “Tôi học chuyên ngành giáo dục mầm non và đã từng gắn bó với trẻ. Khi đến Làng Hữu nghị Việt Nam, nhìn ánh mắt trẻ trong veo trên cơ thể khuyết tật vận động hoặc câm, điếc bẩm sinh, tăng động, tự kỷ... tôi quyết định dừng công việc ở nhà trẻ nơi đang làm việc để chuyển hẳn về đây”, chị Toàn cho biết.
Yêu trẻ, trách nhiệm với công việc, nhưng buổi ban đầu đối mặt với tình huống thực tế không có trong giáo trình đào tạo (như khi được bón cơm trẻ lại nhổ ra, có trẻ đang ăn lên cơn động kinh, co giật...) đôi khi cũng làm các cô đảm nhiệm nuôi dạy trẻ ở đây thoáng bối rối, nhưng rồi họ đều vượt lên tất cả. Ngoài thời gian làm hành chính, giúp các con vệ sinh cá nhân, cho con ăn sáng, dọn dẹp nhà cửa, may vá quần áo, các cô còn phải thay phiên nhau trực đêm. “Có con ở Làng Hữu nghị Việt Nam mắc bệnh tim. Khi con bệnh nặng, tôi phải đưa đến bệnh viện, chăm sóc cả ngày lẫn đêm nên bệnh nhân cùng phòng cứ ngỡ tôi là mẹ. Đến khi mẹ ruột của con đến chăm, mọi người mới biết tôi chỉ là cô giáo”, chị Toàn kể về kỷ niệm của mình.
Hiện tại, Làng Hữu nghị Việt Nam có 5 gia đình lớn do 8 cô phụ trách. Ở đây, những đứa trẻ có số phận không may mắn luôn vô tư trêu đùa, mách tội nhau với “mẹ”... Để có “sợi dây” gắn kết đó, các "mẹ" đã phải xóa bỏ nhiều rào cản về khoảng cách, coi trẻ như con đẻ, luôn gần gũi, quan tâm để nắm bắt tâm lý và hiểu được tính nết của từng con. Các "mẹ" làm công tác bảo mẫu còn phải phối hợp chặt chẽ, trao đổi thường xuyên với bác sĩ và cô giáo để theo dõi, giám sát, nhắc nhở các con làm bài tập về nhà, giúp con tập phục hồi chức năng, phát huy những bài học kỹ năng trong sinh hoạt.
Tại lớp học của cô giáo Nguyễn Thị Thu Huyền, dù đã vào giờ học nhưng các con vẫn mạnh ai làm việc nấy. “Không chỉ dạy chữ mà tôi phải động viên, uốn nắn cẩn thận, tỉ mỉ để các con điều chỉnh dần cảm xúc, hành vi, không đánh bạn, không khóc trong lớp. Trình độ nhận thức khác nhau nên có bài tôi phải dạy các con viết đi viết lại cả tuần, có con chỉ cần viết được tên mình, tên bố, mẹ là cô đã vui lắm rồi...”, cô giáo Nguyễn Thị Thu Huyền chia sẻ.
Với nhiều độ tuổi khác nhau nên ngoài việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục đặc biệt, Làng Hữu nghị Việt Nam còn tổ chức dạy nghề cho trẻ khuyết tật. Tại lớp dệt, may của cô Nguyễn Thị Hồng Hải, trẻ thuộc nhiều dạng tật khác nhau. Có em thông minh lại bị dị tật vận động hoặc câm điếc bẩm sinh; em có vẻ ngoài lành lặn lại chậm phát triển; có em vừa chậm phát triển, vừa khuyết tật. Vì vậy, giáo viên phải căn cứ vào nhiều tiêu chí để đánh giá khả năng và mức độ nhận thức để phân lớp cho phù hợp. Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hải cho biết: “Ngoài việc dạy kỹ năng cơ bản, giáo viên còn định hướng dạy nghề trong khả năng và điều kiện thực tế của làng để khi về hòa nhập với cộng đồng các con có thể tự làm để nuôi sống bản thân”.
Không trực tiếp chăm sóc trẻ, nhưng đã công tác ở Làng Hữu nghị Việt Nam, hầu hết các chị đều xác định vất vả hơn làm việc bên ngoài. Chị Nguyễn Thị Thu Hương, nhân viên cấp dưỡng cho biết: “Mùa hè nóng bức nhưng mỗi bữa chúng tôi vẫn phục vụ hàng trăm suất cơm. Tuy nhiên, khi thấy các con ăn ngon miệng là mệt mỏi tan biến...”.
Xoa dịu bớt nỗi đau
“Ở Làng Hữu nghị Việt Nam, con tôi không chỉ được chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị bệnh mà còn được học kỹ năng sống. Năm ngoái, con về nhà đã biết đọc chữ, biết viết... khiến cả gia đình vỡ òa hạnh phúc”. Đó là lời chia sẻ của chị Bùi Thị Phượng ở tỉnh Thái Bình, mẹ của cháu Lý Bá Đức Khánh đang được chăm sóc, giáo dục tại Làng Hữu nghị Việt Nam. Được biết, khi sinh ra Khánh cũng bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng đến năm 3 tuổi cháu không cười, nói, vận động khó khăn. Bác sĩ kết luận cháu bị di chứng chất độc da cam từ ông ngoại. Sáu tuổi, Khánh được gia đình đưa về Làng Hữu nghị Việt Nam. “Ngày đầu đến lớp, con không ngồi yên một chỗ, thậm chí giật cả rèm lớp học. Bằng sự tận tình dạy dỗ của các cô, con không chỉ ngoan mà còn biết đọc, biết viết, biết vẽ”, chị Phượng cho biết.
Làng Hữu nghị Việt Nam trực thuộc Hội Cựu chiến binh Việt Nam, có nhiệm vụ chăm sóc, điều dưỡng, phục hồi chức năng cho cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong là nạn nhân chất độc da cam/dioxin; nuôi dưỡng, giáo dục, điều trị bệnh tật, phục hồi chức năng cho trẻ em bị di chứng chất độc da cam/dioxin từ bố, mẹ, ông, bà.
Đại tá Nguyễn Thăng Long, Giám đốc Làng Hữu nghị Việt Nam cho biết: “Với tinh thần đổi mới, trách nhiệm, từ năm 2018 đến nay, làng đã điều dưỡng cho hơn 1.700 lượt cựu thanh niên xung phong, cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam/dioxin; thường xuyên nuôi dưỡng, chăm sóc y tế, phục hồi chức năng, dạy văn hóa, dạy kỹ năng sống và dạy nghề cho khoảng 120 trẻ em”. Trong công tác giáo dục, dạy nghề, làng thường xuyên duy trì 4 lớp giáo dục đặc biệt, 2 lớp kỹ năng thực hành, 5 lớp dạy nghề. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, làng đã tăng giờ học thực hành, rèn luyện thể chất, học mà vui, vui chơi cũng là học, phân chia thời gian để một em có thể học được ở 2 lớp khác nhau nhằm giúp các em không bị nhàm chán, dễ tiếp thu kiến thức... Trên cơ sở điều kiện sức khỏe, khả năng tiếp thu và sở thích, năng khiếu của từng em, cô giáo chủ nhiệm có chương trình, nội dung dạy phù hợp. Với những em có nhận biết khá được gửi đến học tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường dạy nghề. Các em có tay nghề khá được Ủy ban Quốc tế về Làng Hữu nghị Việt Nam cho làm trợ giảng các lớp nghề. Từ năm 2019 đến 2022, đã có 16 em về hòa nhập cộng đồng được hỗ trợ vốn khởi nghiệp với mô hình làm kinh tế hộ gia đình.
Trong số hơn 50 cán bộ, nhân viên của Làng Hữu nghị Việt Nam có hơn 2/3 là phụ nữ. Dù đảm nhiệm những vị trí công việc khác nhau, nhưng điểm chung của họ là có tấm lòng nhân ái, luôn hết lòng chăm lo cho những đứa trẻ khuyết tật, nhiễm chất độc da cam/dioxin, dù không phải do mình sinh ra. Bằng sức mạnh của tình yêu thương, những bảo mẫu nơi đây đã góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, điểm tô cho cuộc đời vốn chịu nhiều bất hạnh của các con những gam màu tươi sáng, những thanh âm của hạnh phúc để các con và gia đình có thêm nghị lực bước vào tương lai...