Người khiếm thị Thủ đô vững vàng tinh thần “Tàn nhưng không phế”
Đời sống - Ngày đăng : 16:43, 09/06/2023
Theo đánh giá, nội dung của “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” được Hội Người mù thành phố Hà Nội triển khai qua những phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Điều này góp phần động viên, khích lệ nhiều người khiếm thị nỗ lực vượt lên số phận, hoàn cảnh, tự tin làm chủ cuộc sống, hòa nhập xã hội.
Để các hội viên hiểu rõ hơn về những giá trị lý luận và thực tiễn của “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, năm 2023, Hội Người mù thành phố Hà Nội tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về 75 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, thu hút 226 người tham gia. Kết quả, Ban tổ chức lựa chọn ra 11 cá nhân có kết quả nổi bật để trao giải; đồng thời, trao 2 giải phụ cho tập thể có nhiều bài thi, bài viết ấn tượng.
Ngoài ra, phong trào “Người tốt, việc tốt” được các cấp hội triển khai sâu rộng, qua đó phát hiện, biểu dương kịp thời những tổ chức, cá nhân người khiếm thị điển hình, tiên tiến, những tấm gương vượt khó vươn lên… Đặc biệt, cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt năm 2023 do Hội Người mù thành phố triển khai đã nhận về 70 tác phẩm dự thi thuộc nhiều thể loại. Căn cứ vào nhiều yếu tố, dịp này, Hội Người mù thành phố Hà Nội biểu dương, khen thưởng 16 tấm gương người tốt, việc tốt tiêu biểu năm 2023.
Cùng ngày, Hội Người mù thành phố Hà Nội tổng kết 25 năm công tác phụ nữ và trẻ em. Xác định rõ phụ nữ và trẻ em khiếm thị là đối tượng cần được chăm sóc, tạo điều kiện để vươn lên, các cấp Hội Người mù thành phố Hà Nội luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho họ. Với hội viên nữ, toàn thành phố đã có hơn 33.000 lượt người được tiếp cận với các nguồn lực hỗ trợ, trong đó có gần 1.000 người được học nghề, hơn 1.000 lượt người được vay vốn ưu đãi tạo việc làm. Từ vốn kiến thức, kỹ năng vững vàng, một số hội viên nữ trở thành những tấm gương sáng trong quá trình học tập, làm việc, hòa nhập xã hội.
Điển hình là chị Đỗ Thúy Hà “sở hữu” 2 bằng thạc sĩ, hiện là Chủ tịch Hội Người mù quận Đống Đa; chị Đào Thu Hương, tốt nghiệp Thạc sĩ tại Australia, hiện làm việc cho Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam. Cùng tốt nghiệp Thạc sĩ tại Australia, chị Nghiêm Thu Trang hiện mở một trung tâm dạy ngoại ngữ ở huyện Ứng Hòa. Thế hệ trẻ có hội viên Nghiêm Thu Loan và Đào Thùy Linh đang là sinh viên Trường Đại học Quốc tế RMIT.
Về công tác trẻ em, các cấp Hội Người mù thành phố cùng các cơ quan chức năng đã trao tặng nhiều phần quà ý nghĩa đến hơn 500.000 lượt trẻ em khiếm thị. Những trẻ em khiếm thị sống trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn còn được hỗ trợ kinh phí học tập…
Ghi nhận những kết quả đạt được, tại các sự kiện ý nghĩa này, 4 tập thể thuộc Hội Người mù thành phố có thành tích nổi bật phong trào thi đua “20 năm thực hiện cuộc vận động: Hai vượt, bốn rèn, năm phấn đấu” (2003-2023) cùng 16 cá nhân điển hình trong các phong trào thi đua năm 2022 vinh dự đón nhận Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội.
Để các phong trào thi đua lan tỏa sâu rộng hơn, Chủ tịch Hội Người mù thành phố Hà Nội Lê Trung Quyết nhấn mạnh, đội ngũ cán bộ, nhân viên, người khiếm thị Thủ đô tiếp tục sống, học tập, làm việc với tinh thần “Tàn nhưng không phế”. Đây là yếu tố nền tảng để mỗi người bước qua bóng tối từ đôi mắt, tìm thấy niềm tin vào tương lai tươi đẹp từ vốn kiến thức, tri thức cùng các kỹ năng giao tiếp xã hội được tích lũy qua thời gian.