Cắt điện: Tăng thông tin để thêm… thông cảm
Kinh tế - Ngày đăng : 15:06, 09/06/2023
Hệ luỵ từ cắt điện đột xuất, bất ngờ
Trước tình trạng hệ thống điện miền Bắc thiếu công suất tại hầu hết các giờ trong ngày, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đã điều tiết giảm phụ tải tại miền Bắc, trong đó có Hà Nội. Và việc cắt điện trong nhiều giờ, cắt điện không báo trước hoặc không đúng thông báo là than phiền của nhiều người.
Là phụ huynh có hai con nhỏ đang học tại Trường Mầm non Tứ Liên (quận Tây Hồ), chị T.N.T (trú tại phường Tứ Liên, quận Tây Hồ) bức xúc kể: “Ngày 6-6, trường nhận được thông báo cắt điện nên đã chủ động yêu cầu phụ huynh tự chăm sóc con tại gia đình. Tuy nhiên, điện vẫn được cấp bình thường mà không có trẻ nào đến học. Ngày 8-6, trường được thông báo sẽ cắt điện từ 8h đến 16h nhưng đến 10h điện mới cắt khiến các giáo viên vội vã thông báo cho phụ huynh tới đón con về”.
Còn chị Đ.T.N (trú tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) cho biết, 10h sáng 7-6, khi đang từ tầng 4 xuống bằng thang máy thì đột ngột mất điện. Chị phải đợi khoảng 45 phút sau cứu hộ thang máy mới đến để “giải cứu” chị ra ngoài. Hôm đó, toà nhà chị sinh sống không có thông báo cắt điện.
Tại một số huyện ngoại thành, việc cắt điện kéo dài và cũng không được báo trước hoặc thông tin không chính xác cũng thường xuyên xảy ra. Anh N.T. M (xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai) cho hay, tại khu vực thôn Bái Nội lịch cắt điện hầu như không được báo trước hoặc báo đột xuất khiến người dân khó chủ động trong sản xuất, kinh doanh. Nóng bức nên cả làng đổ ra hết ngoài đường, bờ ruộng ngồi hóng gió, chờ đến lúc có điện.
Chị T.N.T cho rằng, nếu cắt điện từ 3 giờ trở lên thì nên thông báo rộng rãi và chính xác để người dân còn thu xếp công việc. Đặc biệt, ngành điện nên rút ngắn thời gian cắt điện còn khoảng 2-4 giờ và luân phiên đều đặn giữa các khu vực trên cùng địa bàn để ít gây ảnh hưởng nhất.
Cắt khẩn cấp không thể báo trước
Tại cuộc tọa đàm “Giải quyết bài toán thiếu điện: Cách nào” do Hội Truyền thông số Việt Nam phối hợp Câu lạc bộ Cà phê số tổ chức chiều 9-6, ông Nguyễn Quốc Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia thông tin, trong ngày 8-6, hệ thống điện quốc gia tiêu thụ khoảng 800 triệu kWh. Trong đó, do đang vào mùa khô, thuỷ điện chỉ đóng góp 140 triệu kWh (chiếm 17,5%); các nhà máy nhiệt điện than đóng góp 460 triệu kWh (chiếm 57,5%); điện khí cung cấp 100 triệu kWh (chiếm 12,5%); các nhà máy điện gió, điện mặt trời cung cấp 100 triệu kWh (chiếm 12,5%).
“Về công suất thực phát của hệ thống điện miền Bắc, trong ngày 8-6, do phần lớn các hồ khó khăn về nước, các nhà máy thuỷ điện chỉ phát được 4.000 MW; nhiệt điện than do suy giảm công suất bởi các tổ máy gặp sự cố, chỉ có 10.000 MW; điện mặt trời gần như không tính vì khung giờ ở miền Bắc phụ tải lên cao nhất từ 21h30-23h lại là thời điểm không có mặt trời; thuỷ điện nhỏ phát 1.500 MW. Tổng công suất thực tế toàn hệ thống vào khoảng 16.000 MW. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện ở khu vực miền Bắc có thể lên mức 23.500-24.000 MW trong những ngày nắng nóng”, ông Trung nêu.
Lý giải về các trường hợp cắt điện mà không được báo trước, ông Nguyễn Quốc Trung nêu, trong quá trình vận hành, mặc dù đã có kế hoạch phát điện bình thường nhưng do xảy ra những sự cố lớn trên hệ thống, công ty điện lực bắt buộc cắt điện khẩn cấp theo quy định để giảm ngay truyền tải, dẫn tới điện bị cắt đột ngột hoặc không đúng với thời gian quy định. Thậm chí, khi các tổng đài chăm sóc khách hàng nhận được các thắc mắc của người dân cũng chưa thể có câu trả lời chính xác về thời gian cấp điện trở lại.
Liên quan đến việc một số địa phương bị cắt điện trong thời gian dài, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản khẩn gửi Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) yêu cầu tính toán, phân bổ công suất cho các công ty điện lực cấp tỉnh với nguyên tắc không được cắt điện sinh hoạt quá 8 tiếng theo quy định của Bộ Công Thương, hạn chế việc tiết giảm vào các khung giờ sinh hoạt của các phụ tải sinh hoạt và vào các ngày cuối tuần của các phụ tải tại các khu du lịch, dịch vụ. EVN cũng nêu rõ, việc tiết giảm theo kế hoạch, đảm bảo luân phiên, công bằng, đáp ứng hợp lý nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân.
Tăng thông tin để thêm… thông cảm
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia căn cứ hướng dẫn của Bộ Công Thương phân bổ công suất sử dụng cho Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) và Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI).
Từ sự phân bổ trên, để bảo đảm an toàn vận hành hệ thống, EVNHANOI phải giảm cung cấp điện khẩn cấp tại một số khu vực. Tuy nhiên, thực tế, việc mất điện đột ngột nhiều khu vực trên địa bàn thành phố hàng chục ngày qua ít có sự giải thích thấu đáo của cơ quan chủ quản. Việc cắt điện diễn ra một cách cơ học, không báo trước ở cả một vùng rộng có hoạt động của nhiều doanh nghiệp và hộ dân, phát sinh bức xúc không đáng có.
Tại buổi thông tin về tình hình cung ứng điện tổ chức chiều 7-6, đại diện ngành Công Thương đã gửi lời xin lỗi tới cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân bởi việc để thiếu diện là trách nhiệm của cơ quan quản lý, của ngành điện mà “không thể biện minh”. Thấu hiểu với những khó khăn khách quan trước mắt của ngành, nhân dân và doanh nghiệp đang cùng tiết kiệm điện, đây là giải pháp căn cơ trước mắt và lâu dài. Đồng thời, người dân cũng mong ngành điện có kế hoạch tiết giảm điện hợp lý, khoa học hơn, hạn chế tác động đến đời sống của người dân.
Chiều 9-6, Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về tình hình cung ứng điện mùa khô năm 2023, Tập đoàn tập trung nghiên cứu, thực hiện đồng bộ các giải pháp về cung ứng điện, đặc biệt là việc thực hiện đạt hiệu quả cao nhất các biện pháp về tiết kiệm điện; xây dựng các kịch bản điều hành cung ứng điện theo hướng dẫn của Bộ Công Thương, kể cả kịch bản thiếu nguồn điện phải điều tiết cắt giảm điện.
Tập đoàn sẽ phối hợp với Bộ Công Thương rà soát, kiểm tra ngay đối với các nhà máy nhiệt điện than đang bị sự cố và yêu cầu các chủ đầu tư phải thực hiện ngay các biện pháp khắc phục để đưa vào vận hành sớm nhất có thể. Đối với các nhà máy nhiệt điện có thời gian sự cố kéo dài (trên 2 năm) và không thể đưa vào vận hành trong tháng 6, kiến nghị các cơ quan chức năng thực hiện công tác thanh tra để xác định rõ nguyên nhân và trách nhiệm cụ thể.
Về thuỷ điện, dự báo trong vài ngày tới, khu vực Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, các hồ thủy điện tích cực tích nước để các hồ vượt qua mực nước chết.