Tạo hành lang pháp lý cho hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự
Chính trị - Ngày đăng : 17:54, 09/06/2023
Các đại biểu cho rằng, việc ban hành Luật trên cơ sở Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự năm 1994 nhằm tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng; quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, việc hạn chế quyền con người, quyền công dân phải do luật quy định; khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập sau 28 năm thực hiện Pháp lệnh bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của Luật với pháp luật có liên quan; tạo hành lang pháp lý đầy đủ, khả thi để hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự có hiệu lực, hiệu quả.
Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết, việc quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự đặt ra quy định hạn chế quyền đi lại, hoạt động của cá nhân, tổ chức trong một số trường hợp nhất định; hiện nay chỉ được quy định tại các văn bản dưới luật. Do vậy, theo đại biểu, việc ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự là cần thiết, góp phần giải quyết những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự sau 28 năm thực hiện Pháp lệnh.
Về vấn đề thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự, đại biểu cho rằng, bản chất của việc chuyển mục đích sử dụng khu quân sự chính là chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng sang mục đích khác và cần bảo đảm phù hợp giữa dự thảo Luật với các luật hiện hành khác như Luật Quy hoạch năm 2017, Luật Đất đai năm 2013, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017...
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc thực hiện lập Quy hoạch sử dụng đất quốc phòng với lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trong Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo thẩm quyền không được phê duyệt, đồng thời, dẫn tới việc thực hiện chuyển mục đích sử dụng khu quân sự sang mục đích khác để phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ nhu cầu dân sinh địa phương khó thực hiện.
Đại biểu Khuất Việt Dũng nhất trí với chính sách của Nhà nước trong quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Theo đó, Nhà nước có chính sách đầu tư cho quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự bảo đảm khả năng phòng thủ của đất nước, ưu tiên trên các địa bàn chiến lược, trọng yếu. Đồng thời, bảo đảm nguồn nhân lực, tài chính và chế độ, chính sách cho các lực lượng quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; có cơ chế, chính sách và biện pháp phù hợp với những đối tượng bị hạn chế về quyền sử dụng đất và các quyền, lợi ích hợp pháp khác do yêu cầu quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn...
Khẳng định tầm quan trọng của biển, đại biểu Tạ Đình Thi nhấn mạnh, mục tiêu và chiến lược của Việt Nam là trở thành quốc gia mạnh về biển. Do vậy, chúng ta phải bảo vệ được biển, hiểu biết về biển và khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên môi trường biển cũng như bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển. Tuy nhiên, trong dự án Luật đề cập về công trình quốc phòng, khu quân sự chủ yếu là từ trên đất liền mà chưa thể hiện rõ công trình quốc phòng và khu quân sự trên biển. “Đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật rà soát kỹ việc quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự từ biển, bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển liên quan từ khâu quy hoạch cho đến tổ chức thực hiện”, đại biểu kiến nghị.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội đối với dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Thông qua những ý kiến, đề xuất, Tổ Thư ký của Đoàn sẽ tổng hợp, rà soát lại trước khi Quốc hội xem xét, thảo luận về dự án Luật này tại hội trường.