Đề xuất mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp

Kinh tế - Ngày đăng : 11:38, 09/06/2023

(HNMO) - Sáng 9-6, thảo luận tại tổ dự án Luật Đất đai (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hà Nội đánh giá cao sự nỗ lực của cơ quan soạn thảo, nhấn mạnh cơ quan thẩm tra rất công phu, nghiêm túc, dành nhiều thời gian lấy ý kiến và tiếp thu chỉnh sửa dự án luật nhiều lần...

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ sáng 9-6.

Phân biệt đối tượng nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp

Đại biểu Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, khoản 3 điều 66 của dự thảo Luật quy định về lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện. Tuy nhiên, tại một số quận, huyện ở Hà Nội đã có quy hoạch đô thị nên có thể không phải lập quy hoạch sử dụng đất. Còn điều 126 trong dự thảo Luật về giao đất cho thuê đất, đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư, theo đại biểu Nguyễn Ngọc Tuấn, quy mô 5 ha (đô thị), 10 ha (nông thôn) là chưa hợp lý.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Tuấn (Đoàn Hà Nội) thảo luận tại tổ.

Về các trường hợp phải thu hồi đất, dự thảo Luật quy định trên 30 trường hợp, chưa chắc đã đầy đủ. Vì vậy, đại biểu cho rằng nên quy định tiêu chí, làm rõ nội hàm về phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng như thế nào, phải nghiên cứu có hành lang pháp lý cho chuẩn khi liệt kê các trường hợp và theo nhóm thu hồi.

“Quy định “thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành tái định cư” là chưa hợp lý, bởi có thể tái định cư bằng nhà hoặc tiền. Có trường hợp xây nhà tái định cư xong, dân đến xem nhưng lại đổi ý lấy tiền, dẫn đến tình trạng không ít nhà tái định cư xây xong để không hơn 10 năm, rất lãng phí. Do vậy, nên xin ý kiến người dân ngay trong lúc điều tra thực hiện dự án”, đại biểu kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu chỉnh sửa quy định dự thảo Luật theo hướng chặt chẽ hơn về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Trong đó, có tính đến đặc thù các loại đất thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng và đối tượng nhận chuyển nhượng là “tổ chức” phân biệt với đối tượng nhận chuyển nhượng là “cá nhân” không trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Đại biểu cũng đề nghị có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, phòng ngừa việc lợi dụng quy định này để đầu cơ đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến mục tiêu chính sách.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) thảo luận.

Theo đại biểu, đối với đất trồng lúa, trường hợp thật cần thiết mở rộng đối tượng là cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.

“Đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định đối với cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa thì phải thành lập tổ chức kinh tế đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 5 Điều 46 dự thảo Luật (có phương án sử dụng đất nông nghiệp được UBND cấp tỉnh chấp thuận). Cơ quan thẩm tra nên nghiên cứu thực hiện thí điểm tại một số địa phương, đánh giá, tổng kết trước khi áp dụng ở quy mô rộng hơn”, đại biểu kiến nghị.

Đại biểu Lê Quân (Đoàn Hà Nội) bày tỏ sự quan tâm đến chính sách đối với việc sử dụng đất tại các nông, lâm trường sau khi giải thể mà cấp cho người dân sử dụng. Theo đại biểu, nhiều địa phương đã có quy định về định mức, thống kê nguyên trạng sử dụng đất, song trên thực tế hành lang pháp lý trong dự thảo Luật về loại đất này chưa rõ ràng. 

Đại biểu Quốc hội Lê Quân (Đoàn Hà Nội) thảo luận.

Đại biểu nêu thực tế một số địa phương người dân phải thuê đất trồng rừng và trả phí qua trung gian; một số khu vực đã hình thành khu dân cư, khu vực sản xuất kinh doanh khi muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải qua Ban quản lý dự án để làm thủ tục, gây tốn kém và phiền phức cho người dân. Qua khảo sát tại huyện Ba Vì, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) về thực trạng này, đại biểu kiến nghị đẩy mạnh phân cấp, giao cho địa phương căn cứ vào quy hoạch, hiện trạng sử dụng đất để hình thành các khu dân cư, khu vực dành cho đất nông nghiệp… để tăng hiệu quả sử dụng đất, tránh tình trạng “để nguyên trạng không được, thu hồi cũng không xong”.

Chính sách cụ thể với đất công, đất di tích

Đại biểu Lê Quân cũng quan tâm đến chính sách sử dụng đất đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Đại biểu lấy dẫn chứng một trường đại học hiện nay dù đã tự chủ, đất trong khuôn viên nhà trường rộng, song nếu muốn mở một khu dịch vụ cho sinh viên, hay căng tin trong nhà trường đều bị vướng vì không có trong quy hoạch. Nếu nhà trường muốn mở dịch vụ thương mại, phải xây dựng ở một khu vực cách xa nhà trường, hoặc phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất với  nhiều thủ tục phức tạp.

“Vì thế, dự Luật cần có quy định cụ thể đối với việc sử dụng đất tại các đơn vị sự nghiệp công lập, vừa tạo điều kiện cho các đơn vị tăng nguồn thu khi tự chủ vừa không phá vỡ quy hoạch, và sử dụng đất đúng mục đích, hiệu quả”, đại biểu kiến nghị.

Đại biểu Quốc hội Trần Việt Anh (Đoàn Hà Nội) thảo luận tổ.

Đại biểu Trần Việt Anh (Đoàn Hà Nội) quan tâm đến đất đai tại các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh khi điều 216 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đề cập đến nội dung đất sử dụng đa mục đích. Theo đại biểu, dự thảo luật đã được hoàn thiện, khắc phục nhiều bất cập trong thực tiễn khi đề cập đất có thể sử dụng nhiều mục đích khác nhau. Tuy nhiên, đại biểu kiến nghị nếu tăng thêm mục đích sử dụng đất thì phải tăng tiền thuế sử dụng đất. Ngược lại, nếu giảm mục đích sử dụng đất của người dân trong các khu di tích, danh lam thắng cảnh thì phải giảm tiền thuế sử dụng đất nhằm bảo đảm quyền lợi và công bằng cho người dân.

Trong khi đó, theo đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn Hà Nội), về việc thu hồi “sổ đỏ” đã cấp sai, theo dự thảo Luật, người dân chỉ có quyền khiếu nại là không hợp lý, bởi việc thu hồi “sổ đỏ” là hành vi hành chính, người dân phải được khởi kiện ra toà... 

Đình Hiệp