Quan hệ Nga - Phần Lan: Những tín hiệu đáng lo ngại
Thế giới - Ngày đăng : 06:52, 09/06/2023
Theo bà Marja Liivala, Tổng Vụ trưởng Vụ Phụ trách về Nga, Đông Âu và Trung Á thuộc Bộ Ngoại giao Phần Lan, quyết định được đưa ra sau cuộc họp giữa Tổng thống Sauli Niinisto với Ủy ban Chính sách đối ngoại và an ninh của Chính phủ Phần Lan, dựa trên những đánh giá của Cơ quan Tình báo an ninh Phần Lan (SUPO). Đến thời điểm hiện tại, Nga chưa đưa ra phản ứng nào trước diễn biến này. Tuy nhiên, xét trên các động thái liên tục xảy ra gần đây, việc Điện Kremlin đưa ra hành động đáp trả là khó tránh khỏi. Bởi trước đó, cuối tháng 4-2023, Nga đã đóng băng các tài khoản ngân hàng của Đại sứ quán Phần Lan ở Mátxcơva và Lãnh sự quán nước này ở Saint Petersburg.
Mối quan hệ giữa Phần Lan và Nga xấu đi từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, khiến Phần Lan thay đổi lập trường hàng thập kỷ không liên kết quân sự và xin gia nhập NATO vào tháng 5-2022, chính thức trở thành thành viên khối này vào tháng 4 vừa qua. Trong khi đó, từ lâu, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định, bất kỳ hành vi hướng Đông nào của NATO đều đe dọa trực tiếp đến chủ quyền và an ninh của Nga.
Phản ứng sau khi khối quân sự lớn nhất hành tinh kết nạp Phần Lan, Nga đã ví đây là một sự leo thang căng thẳng, gây tổn hại đến an ninh và lợi ích quốc gia Nga, đồng thời tuyên bố sẽ tăng cường lực lượng gần Phần Lan nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, cả về mặt chiến thuật và chiến lược nếu NATO điều động binh lính hoặc thiết bị quân sự đến quốc gia thành viên mới. Mátxcơva coi đây là một bước đi thiếu thận trọng của Phần Lan, gây tác động tiêu cực đến mối quan hệ song phương.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cụ thể là năm 1948, Phần Lan ký một “Hiệp ước hữu nghị” với Mátxcơva, thực hiện quy chế trung lập, hay còn gọi là chính sách Phần Lan hóa, để duy trì hòa bình với nước láng giềng. Nội dung Hiệp ước bảo đảm Phần Lan không phải đối mặt với sự “mở rộng” của Liên Xô. Quốc gia này có thể tiếp tục theo đuổi con đường dân chủ và tư bản, nhưng đổi lại, Helsinki phải đứng ngoài NATO và giữ thái độ trung lập trong các cuộc tranh cãi giữa Nga và phương Tây. Kể cả sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Phần Lan gia nhập Liên minh châu Âu (EU) năm 1995, Helsinki vẫn duy trì chính sách không liên minh quân sự, không tham gia các hoạt động của NATO ở Bosnia, Kosovo và Afghanistan. Thế nhưng cuộc xung đột Nga - Ukraine đã đảo ngược quan điểm của quốc gia Bắc Âu, đưa nước này trở thành thành viên thứ 31 của NATO.
Mặc dù dân số chỉ khoảng 5,6 triệu người, quân đội Phần Lan có thể huy động nhanh 280.000 binh lính và số lượng đối đa sẽ lên đến 900.000 quân (lính dự bị). Các hầm lánh nạn của nước này có đủ chỗ chứa tới 80% cư dân. Lực lượng không quân hiện có 64 chiến đấu cơ F-18, được trang bị hệ thống tên lửa với độ chính xác cao của Mỹ. Helsinki đã đặt hàng thêm 64 chiến đấu cơ F-35 và sẽ được nhận vào năm 2026. Lực lượng phòng vệ Phần Lan cũng đã công bố kế hoạch trang bị 1.000 đến 2.000 máy bay không người lái nhằm tăng cường khả năng trinh sát...
Có đường biên giới chung với Nga dài 1.215km, việc Phần Lan gia nhập NATO khiến đường biên giới giữa liên minh quân sự này với Nga tăng lên gấp đôi. Căng thẳng giữa Phần Lan và Nga leo thang sẽ trở thành nguy cơ khó lường đối với khu vực, nhất là trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.