Hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước
Chính trị - Ngày đăng : 06:35, 08/06/2023
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tổ chức hội thảo, thống nhất nghiên cứu, tổng kết thực tiễn vận dụng phương châm “Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy”, cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn nhằm tham mưu với Đảng bổ sung, phát triển nhận thức về sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh tình hình mới.
Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Tô Lâm cho biết, quá trình tổng kết Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới tiếp tục khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng ta về bảo vệ Tổ quốc. Bảo vệ Tổ quốc trong thời bình không chỉ là đối phó với hành động vũ trang xâm lược của kẻ địch từ bên ngoài, mà còn phải đặc biệt chăm lo xây dựng và giữ vững bên trong, đối phó với những thủ đoạn hoạt động phi vũ trang của địch.
Đồng chí Tô Lâm cũng cho rằng, đấu tranh trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa là những phương thức để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; yêu cầu đổi mới mạnh mẽ tư duy bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra rất cấp bách.
Hội thảo cũng đã nghe hơn 10 ý kiến phát biểu tham luận của các đại biểu.
* Cùng ngày, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp mặt Đoàn đại biểu dự Trại hè “Hoa hướng dương” năm 2023, do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động nhằm giúp các con được nhận đỡ đầu trong chương trình “Mẹ đỡ đầu” được gặp gỡ, giao lưu với các bạn, anh chị ở khắp mọi miền Tổ quốc.
Chúc mừng, biểu dương kết quả của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong công tác chăm lo cho phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là mô hình “Mẹ đỡ đầu” ý nghĩa, Phó Chủ tịch nước đồng thời yêu cầu Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tiếp tục duy trì nền nếp hoạt động, tính bền vững của mô hình “Mẹ đỡ đầu”; nghiên cứu và lan tỏa thêm các mô hình phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao để giúp đỡ thêm nhiều phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được phát triển trong điều kiện tốt nhất.
Phó Chủ tịch nước yêu cầu các bộ, ngành trung ương, địa phương có những việc làm, hành động thiết thực chăm lo cho trẻ, đặc biệt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; nghiên cứu, đề xuất chủ trương, chính sách, pháp luật, dành nguồn lực để trẻ em luôn được chăm lo, giáo dục và đào tạo tốt hơn trong mỗi giai đoạn phát triển của đất nước.
Sau gần 2 năm triển khai, chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã có trên 32 nghìn mẹ đỡ đầu; huy động được hơn 115 tỷ đồng để hỗ trợ chăm sóc cho 19.760 trẻ mồ côi, trong đó có hơn 3.000 trẻ mồ côi do dịch Covid-19.