Thiếu hụt khoảng 4.350 MW điện: Miền Bắc tiết giảm 6-10% công suất/ngày

Kinh tế - Ngày đăng : 16:21, 07/06/2023

(HNMO) - Nhu cầu sử dụng điện ở khu vực miền Bắc có thể lên mức 23.500-24.000 MW trong những ngày nắng nóng sắp tới, thiếu hụt khoảng 4.350 MW với sản lượng không đáp ứng được trung bình ngày là khoảng là 30,9 triệu kWh. Thông tin này được Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương trao đổi trong chiều nay (7-6) cho thấy hệ thống điện miền Bắc đối mặt nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết các khung giờ trong ngày.

Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực thông tin về tình hình cung ứng điện chiều 7-6.

Nhiều yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến cung ứng đủ điện

Theo ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương, nắng nóng gay gắt diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước làm tăng nhu cầu điện sinh hoạt của nhân dân. Tại miền Bắc, với đặc trưng là nguồn thủy điện chiếm tỷ trọng lớn (43,6%), những yếu tố ảnh hưởng đến việc bảo đảm cung ứng đủ điện đã xuất hiện.

Tính đến ngày 6-6, hầu hết các hồ thủy điện lớn ở miền Bắc đã về mực nước chết. Riêng các hồ thủy điện Lai Châu và Sơn La xuống dưới mực nước chết. Duy nhất hồ thủy điện Hòa Bình còn nước và có thể duy trì phát điện đến ngày 12,13-6. Công suất khả dụng của thủy điện là 3.110 MW, chỉ đạt 23,7% công suất thiết kế. 

Với nguồn nhiệt điện, các nhà máy nhiệt điện than đã đủ nhiên liệu vận hành với công suất huy động cao. Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng, các tổ máy hoạt động tối đa công suất trong thời gian dài dẫn đến sự cố về thiết bị. Cập nhật đến ngày 6-6, nguồn nhiệt điện than miền Bắc chỉ huy động được 11.934MW, chiếm 76,6% công suất lắp đặt. 

Về khả năng truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc, ông Trần Việt Hòa cho biết luôn ở ngưỡng giới hạn cao (giới hạn tối đa từ 2.500 MW đến 2.700 MW) dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ sự cố.

Mực nước hồ thủy điện Bản Vẽ xuống mức báo động.

“Như vậy, tổng công suất khả dụng của hệ thống điện miền Bắc, bao gồm cả điện nhập khẩu, có thể huy động để đáp ứng nhu cầu phụ tải chỉ đạt mức 17.500-17.900 MW (khoảng 59,2% công suất lắp đặt). Công suất này đã bao gồm khoảng từ 2.500 đến 2.700 MW truyền tải từ miền Nam và miền Trung ra Bắc.

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện ở khu vực miền Bắc có thể lên mức 23.500-24.000 MW trong những ngày nắng nóng. Như vậy, hệ thống điện miền Bắc sẽ thiếu hụt khoảng 4.350 MW với sản lượng không đáp ứng được trung bình ngày là khoảng là 30,9 triệu kWh (ngày cao nhất có thể lên tới 50,8 triệu kWh). Hệ thống điện miền Bắc đối mặt với nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết các khung giờ trong ngày.

Tại Hà Nội, theo thống kê của Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI), bình quân lượng điện tiêu thụ tháng 5 tăng hơn 22,5% so với bình quân tháng 4-2023. Lượng điện tiêu thụ trong ngày 31-5 đạt đỉnh với 95.177 triệu kWh. Trong 3 ngày gần đây, do có mưa, nhu cầu sử dụng điện “hạ nhiệt” phần nào, tuy nhiên, lượng tiêu thụ vẫn dao động từ trên 79.231 triệu kWh đến 84.015 triệu kWh/ngày.

Giảm phụ tải thời điểm cao nhất lên tới 30% công suất

Trước tình hình có khả năng ảnh hưởng đến an toàn vận hành hệ thống điện, EVN đã điều tiết giảm phụ tải tại miền Bắc. Ngày 5-6 tổng công suất phụ tải tiết giảm là 3.609 MW lúc 16h30, trong đó tiết giảm phụ tải công nghiệp lớn nhất khoảng 1.423MW, tiết giảm phụ tải sinh hoạt lớn nhất là 1.264MW.

"Trong những ngày nắng nóng cao điểm, việc tiết giảm ở thời điểm cao nhất vào khoảng 30% công suất sử dụng và trung bình ở mức từ 6-10%/ngày", ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc EVN thông tin.

Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc EVN thông tin về công suất tiết giảm điện.

Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia căn cứ hướng dẫn của Bộ Công Thương phân bổ công suất sử dụng cho Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) và Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội. Việc tiết giảm điện được tính toán dựa trên nguyên tắc ưu tiên cho các hoạt động chính trị, xã hội quan trọng và căn cứ vào thực tế như sinh hoạt dân cư, thương mại dịch vụ, sản xuất các mặt hàng thiết yếu... Kế hoạch này được báo cáo UBND cấp tỉnh giám sát.

Để bảo đảm an toàn vận hành hệ thống, có những thời điểm, EVNHANOI buộc phải giảm cung cấp điện khẩn cấp tại một số khu vực. Hệ lụy là những ngày qua, khu vực các quận, huyện Hà Đông, Hoàng Mai, Gia Lâm, Long Biên và một số nơi khác ở ngoại thành bị cắt điện quá lâu, thậm chí kéo dài cả ngày, khi nắng nóng vượt 36 độ C, ảnh hưởng đến đời sống. 

“Mất điện về đêm thực sự là nỗi ám ảnh bởi trẻ nhỏ nóng bức quấy khóc. Hai vợ chồng tôi thay phiên thức cả đêm, quạt, dỗ con ngủ. Mất điện ban ngày thì cả nhà sang tạm nhà của người thân nơi không bị mất điện”, anh Nguyễn Văn Dương (39 tuổi, thôn Yên Lạc 3, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất) chia sẻ. 

Bản thân anh Dương là chủ một xưởng sản xuất đồ gỗ nội thất nên việc cắt điện liên tục những ngày qua còn ảnh hưởng đến tiến độ đơn hàng. “Tất cả các xưởng sản xuất trong thôn đều trong tình trạng tương tự. Do được thông báo cắt điện khá gấp, thời gian lại kéo dài nên không ai kịp chuẩn bị kế hoạch sản xuất dự phòng. Các doanh nghiệp chấp nhận việc cắt giảm điện nhưng phải có thông báo trước và thời gian cắt nên rút ngắn khoảng 2-4 giờ để việc sản xuất không bị gián đoạn", anh Dương kiến nghị.

Tiết kiệm điện vẫn là giải pháp căn cơ

Nhân viên Công ty điện lực Hai Bà Trưng tuyên truyền tiết kiệm điện trên địa bàn.

Vào các khung giờ cao điểm, nhân viên điện lực tại các quận nội thành của Hà Nội được huy động 100% quân số ứng trực để xử lý các sự cố, đồng thời, sử dụng loa kéo đi khắp các ngõ phố tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm. UBND các xã, phường cũng đã phối hợp chặt chẽ với các công ty điện lực, sử dụng hệ thống loa truyền thanh kêu gọi người dân sử dụng điện tiết kiệm.

“Hằng ngày, công ty đều cử cán bộ, công nhân viên xuống làm việc trực tiếp với các khách hàng để vận động cắt toàn bộ hệ thống đèn chiếu sáng quảng cáo và đèn trang trí. Để khách hàng thực hiện nghiêm túc hơn, công ty đã đề xuất UBND quận thành lập đoàn kiểm tra để nhắc nhở”, ông Hoàng Minh Thủy, Giám đốc Công ty Điện lực Hà Đông nêu.

Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, người dân đã có ý thức hơn trong việc sử dụng điện. Theo đó, tổng sản lượng điện tiết kiệm trên toàn địa bàn thành phố tính từ ngày 15 đến 30-5 vừa qua đạt hơn 12 triệu kWh, trong đó có hơn 3.058 lượt khách hàng trọng điểm phối hợp điều chỉnh phụ tải với sản lượng điện tiết giảm gần 2 triệu kWh.

Hà Nội tiết giảm hệ thống chiếu sáng công cộng.

Cùng “chia lửa” với ngành Điện, các cơ quan, công sở, nhà hàng, khách sạn, các cơ sở sản xuất, trung tâm thương mại, nhà ga, sân bay... trên địa bàn thành phố đều giảm bớt đèn chiếu sáng, tắt đèn biển quảng cáo và các thiết bị điện không cần thiết.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Chiếu sáng và thiết bị đô thị (Hapulico) cho biết, công ty hiện vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng theo chế độ tiết kiệm điện như bật đèn muộn 30 phút, tắt đèn sớm 30 phút so với thông thường. Hệ thống chiếu sáng trong các công viên, vườn hoa chỉ vận hành tối đa không quá 50% số đèn và cắt toàn bộ sau 23h… Nhờ vậy, theo số liệu thống kê của Trung tâm Điều khiển hệ thống chiếu sáng công cộng thành phố, hơn 36% điện năng tiêu thụ của hệ thống chiếu sáng được tiết giảm.

Bên cạnh các giải pháp tăng cường nguồn nguyên vật liệu cho sản xuất điện than, khẩn trương đưa các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp vào vận hành, nối lưới để có thể phát điện ngay lên hệ thống điện quốc gia, lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định, không phải khi có nguy cơ thiếu điện thì mới phải tiết kiệm điện, mà đây là chính sách xuyên suốt, lâu dài. Trong bối cảnh nguồn cung điện khó khăn như hiện nay, tiết kiệm điện càng có vai trò quan trọng, ý nghĩa đặc biệt và mang lại hiệu quả thiết thực, cần được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 517/CĐ-TTg ngày 6-6 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023 và thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương hướng dẫn EVN xây dựng các kịch bản chủ động kịp thời ứng phó với những khó khăn về cung ứng điện và tổ chức thực hiện theo quy định. Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương chỉ đạo và trực tiếp tháo gỡ khắc phục sự cố các nhà máy điện, nhất là các nhà máy điện tại miền Bắc để đưa vào vận hành trong thời gian sớm nhất...

Cục trưởng cục Điều tiết điện lực Trần Việt Hòa cho biết, thực hiện Công điện 517/CĐ-TTg, trong ngày 7-6, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương đã họp phân công cụ thể cho từng đơn vị thuộc Bộ triển khai 8 nhóm nội dung đã được chỉ đạo để hoàn thành đúng các hạn định trong Công điện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. 

Bảo Hân