Ba vấn đề phải xử lý để hoạt động đăng kiểm trở lại bình thường

Đời sống - Ngày đăng : 16:52, 07/06/2023

(HNMO) - Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều 7-6, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, có 3 vấn đề phải xử lý để hoạt động đăng kiểm trở lại bình thường đó là thực hiện điều chỉnh cơ chế tài chính; tuyển dụng, đào tạo cán bộ đăng kiểm và ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thiểu tối đa việc kiểm định thủ công.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn.

Đối với chất vấn của đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) về việc mở lại các trung tâm đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, cả nước hiện chỉ còn 2 tỉnh là Bắc Kạn và Hòa Bình chưa mở lại, còn trung tâm đăng kiểm ở các tỉnh, thành phố khác cơ bản đã mở lại. Đối với tỉnh Hòa Bình, Bộ trưởng cho biết đã làm việc trực tiếp với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh về việc làm gì để mở lại trung tâm đăng kiểm.

“Bộ Giao thông Vận tải đã phải hỗ trợ địa phương đào tạo một cán bộ do địa phương giới thiệu, thi tuyển, cấp chứng chỉ để giữ cương vị giám đốc trung tâm đăng kiểm. Đối với các đăng kiểm viên, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hoà Bình chuẩn bị đầy đủ và sẽ sớm mở lại trung tâm đăng kiểm tại đây”, Bộ trưởng nói.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn Đắk Nông) tranh luận.

Tranh luận với Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn Đắk Nông) nhận định, Bộ trưởng cho rằng việc đăng kiểm phương tiện cơ giới hiện nay không đáng lo - chỉ đúng một phần. Giải pháp cấp bách như kéo giãn chu kỳ đăng kiểm với phương tiện cá nhân chỉ là trước mắt.

“75% trung tâm đăng kiểm hiện nay là do các doanh nghiệp ngoài nhà nước thực hiện. Doanh nghiệp khi đầu tư phải thu hồi lại vốn, nhưng với cơ chế tài chính hiện nay thì họ rất khó duy trì được trung tâm đăng kiểm mà họ đã xin phép lập ra. Đơn cử việc giãn chu kỳ đăng kiểm thì các trung tâm đăng kiểm tư nhân không có việc làm, không có thu nhập, nên đăng kiểm viên sẽ đi nơi khác. Doanh nghiệp vì thế sẽ phá sản”, đại biểu nhấn mạnh và đề nghị cần đổi mới cơ chế tài chính là giải pháp lâu dài.

Quang cảnh phiên chất vấn.

Trả lời ý kiến tranh luận của đại biểu Nguyễn Trường Giang, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, những vụ việc xảy ra trong hoạt động đăng kiểm vừa qua rất nghiêm trọng, gây ra hệ lụy lớn, khi doanh nghiệp, người dân phải chờ đợi trong hoạt động đăng kiểm. Có tới 600 lãnh đạo, công chức, viên chức, đăng kiểm viên bị khởi tố, trong 281 đơn vị đăng kiểm thì có tới 106 trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa. Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để tập trung tháo gỡ, khôi phục hoạt động đăng kiểm phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.

“Ngay từ khi về nhận công tác, bản thân tôi cũng nghiên cứu để điều chỉnh các quy định đăng kiểm cho phù hợp với thông lệ quốc tế và tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân”, Bộ trưởng nói và cho biết Bộ đang triển khai cùng lúc 2 việc: Phục hồi lại hoạt động của các trung tâm đăng kiểm, rà soát lại toàn bộ hoạt động đăng kiểm, bảo đảm chặt chẽ, thông thoáng. Vừa qua, Bộ đã ban hành Thông tư để thực hiện 2 vấn đề: Miễn đăng kiểm lần đầu đối với xe mới và giãn chu kỳ đăng kiểm; qua đó giảm thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết có 3 vấn đề phải xử lý để hoạt động đăng kiểm trở lại bình thường đó là thực hiện điều chỉnh cơ chế tài chính, trong đó Bộ đã phối hợp với Bộ Tài chính đưa vào dự thảo luật Giá để loại bỏ giá đăng kiểm ra khỏi danh mục giá Nhà nước quản lý, để thị trường quyết định, bảo đảm thu nhập cho các đăng kiểm viên.

Bộ cũng đang tập trung tuyển dụng, đào tạo cán bộ đăng kiểm để có đủ lực lượng bố trí trở lại tất cả các trung tâm đăng kiểm, để tất cả dây chuyền đăng kiểm khi có đủ lực lượng sẽ trở lại hoạt động bình thường.

Ngoài ra, Bộ cũng tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát chặt chẽ, giảm thiểu tối đa việc kiểm định thủ công, đồng thời thực hiện việc đăng ký đăng kiểm qua mạng, thanh toán chuyển khoản.

Tiến Thành