Tin vào thực dưỡng, người phụ nữ “đeo” khối u môi khổng lồ có hình thù kỳ dị
Sức khỏe - Ngày đăng : 16:05, 07/06/2023
Chiều 7-6, theo tin từ Bệnh viện K, tại đây vừa tiếp nhận bệnh nhân T.T.Y (64 tuổi, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) vào viện với khối u ở vùng hàm mặt khiến các bác sĩ cũng phải bất ngờ.
Theo đó, nữ bệnh nhân có tổn thương sùi lớn chiếm toàn bộ vùng môi, miệng, kích thước lên tới 15x20 cm. Khi tới viện thăm khám, khối u chảy máu, rỉ mủ, đã xâm lấn xương hàm dưới, sàn miệng, lưỡi, di căn nhiều hạch cổ hai bên kích thước 2-3 cm. Ngay lập tức, bệnh nhân được chỉ định nhập viện với chẩn đoán ung thư môi dưới.
Khai thác nhanh bệnh sử của bệnh nhân Y, các bác sĩ cho biết, bệnh nhân có khối u khoảng 3 năm nay. Dù kích thước khối u tăng dần song bệnh nhân lại không đến bệnh viện khám chữa bệnh ngay từ đầu mà ăn thực dưỡng để ngăn chặn sự phát triển khối u.
Qua nhiều năm ăn thực dưỡng, sức khỏe bệnh nhân Y ngày càng suy kiệt. Thêm vào đó, tình trạng khối u không thuyên giảm, ngày càng tăng kích thước. Mặc cảm vì khối u có hình thái kỳ dị, mất thẩm mỹ, tới khi không ăn uống nổi bà mới đi khám.
“Chúng tôi cho rằng đây là điều đáng tiếc bởi nếu như bệnh nhân Y không theo chế độ thực dưỡng mà đi khám sớm hơn, tìm tới Y học hiện đại và kết hợp các phương pháp thì việc điều trị sẽ đơn giản hơn rất nhiều”, Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Xuân Quý, Trưởng khoa Ngoại đầu cổ (Bệnh viện K) nói.
Khi vào viện, bệnh nhân được đánh giá thể trạng suy kiệt, tình trạng đái tháo đường mức độ nặng… tiềm ẩn nguy cơ hôn mê. Hơn nữa, do khối u xuất hiện ở vị trí vùng môi, xâm lấn rộng xung quanh, diện cắt bỏ lớn, vì vậy, bác sĩ phải cân nhắc rất kỹ lưỡng, đồng thời phải hồi sức tốt cho bệnh nhân Y.
Các bác sĩ đã cắt rộng tổn thương, toàn bộ khối u và khối hạch di căn vùng cổ của bệnh nhân. Tới nay, bệnh nhân sức khỏe ổn định bình thường, có thể ăn uống, nói chuyện sau ít ngày.
Các bác sĩ khuyến cáo, chế độ ăn thực dưỡng là một chế độ ăn được nhiều người áp dụng trong những năm gần đây. Nhiều người cho rằng chế độ ăn này có thể điều trị cả căn bệnh ung thư. Thực tế, đến hiện tại không có cơ sở khoa học, nghiên cứu nào chứng minh và công nhận phương pháp này điều trị được bệnh ung thư. Việc nhiều người bệnh giữ niềm tin vào quan điểm này là sai lầm, không mang tính khoa học.