Chuẩn bị thành lập 3 trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo quốc gia
(HNMO) - Liên quan đến Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng, hoàn thiện đề án thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo quốc gia tại thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến trong tháng 6 hoặc đầu tháng 7 sẽ ban hành các quyết định thành lập 3 trung tâm này.
Cần chính sách đặc thù cho hoạt động đổi mới sáng tạo
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã khẳng định như vậy trong phiên chất vấn sáng 7-6, tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV. Tại phiên chấn vấn, đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn Đà Nẵng) cho biết, Nghị quyết số 52 ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị có chủ trương thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đẩy nhanh thành lập các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, trước mắt tại Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Chính phủ cũng đã có Nghị quyết số 50 ngày 17-4-2020 về việc thực hiện chủ trương này.
Tuy nhiên, sau Nghị quyết của Bộ Chính trị gần 4 năm qua, với nhiều lần làm việc trực tiếp và trao đổi bằng văn bản giữa UBND thành phố Đà Nẵng và Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia ở Đà Nẵng vẫn chưa ra đời. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, vì sao các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chính phủ chậm được triển khai như vậy? Trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc này như thế nào và Bộ trưởng có cam kết gì để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng trên?
Trả lời chất vấn đại biểu, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, các trung tâm này được lập với mục tiêu khai thác nguồn lực địa phương dành cho đổi mới sáng tạo, hướng tới áp dụng các mô hình thử nghiệm chính sách trong các lĩnh vực mới chưa có quy định nhằm khuyến khích đổi mới, sáng tạo, làm cơ sở để đúc kết kinh nghiệm, nhân rộng hoặc điều chỉnh kịp thời các chính sách, mô hình triển khai trên phạm vi quốc gia. Bên cạnh đó, quy định về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Khoa học và Công nghệ đã được ban hành, nên việc ban hành các quyết định thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo là có cơ sở để thực hiện, và các cơ sở này sẽ sớm đi vào vận hành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu tranh luận, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định) cho biết, qua 4 năm hoạt động, từ năm 2019 đến nay, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia tại Hòa Lạc đã rút ra kinh nghiệm như nào để có thể ứng dụng trong các trung tâm mới một cách thực chất để phát triển được khoa học, công nghệ. Đề nghị Bộ trưởng chia sẻ thêm kinh nghiệm về mô hình này?
Trao đổi với ý kiến của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia được thành lập tại Hòa Lạc. Qua khảo sát thực tế cho thấy, trung tâm có nhiều mô hình, cách làm đáng học tập để triển khai lan tỏa ra các trung tâm ở các địa phương khác. Mỗi địa phương có những đặc thù riêng, cần có sự điều chỉnh để phù hợp nhất với các địa phương. “Kinh nghiệm rút ra từ Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia là có những chính sách đặc thù cho hoạt động đổi mới sáng tạo, trong đó có chính sách giảm thuế, kết nối với các quỹ đầu tư mạo hiểm, phát triển không gian làm việc chung cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà đầu tư”, Bộ trưởng cho biết.
Điều hành chất vấn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, chủ trương chung là Chính phủ ưu tiên thành lập Trung tâm khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo quốc gia. Hiện đã có chủ trương và ban hành nghị định về chức năng, nhiệm vụ của trung tâm, xây dựng tại khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Trong thời gian tới sẽ khánh thành Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, sau đó triển khai tại các vùng. Đồng thời, khuyến khích các tập đoàn, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư các trung tâm nghiên cứu và triển khai, cũng như các trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, bước đầu có kết quả tốt.
Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ Tập đoàn Samsung đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển rất lớn tại Hà Nội, là nơi đủ công suất cho 3.000 nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu các lĩnh vực liên quan đến công nghệ thông tin. Trên cơ sở đó, có điều kiện triển khai tiếp các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp vùng, như tại Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và các vùng khác.
Khuyến khích phát triển sáng chế trong nước
Đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đoàn Đà Nẵng) cho biết, kết quả từ nghiên cứu khoa học đưa vào sản xuất, kinh doanh luôn tồn tại rủi ro. Các sản phẩm không cạnh tranh được với những sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài, việc sử dụng kinh phí cho hoạt động nghiên cứu sáng tạo dễ bị vi phạm các quy định của pháp luật về tài chính và đầu tư. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm và giải pháp như thế nào để giải quyết vấn đề tương quan của các chính sách pháp luật có liên quan, qua đó khuyến khích phát triển được nhiều phát minh, sáng chế từ các công trình khoa học nghiên cứu ở trong nước?
Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, về việc hỗ trợ hoạt động chuyển giao, tiếp thu công nghệ nước ngoài cho các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chính sách, cơ chế pháp luật điều chỉnh về vấn đề này đã sẵn có, vấn đề đặt ra là cần áp dụng, triển khai thực hiện sao cho hiệu quả trong thực tiễn. Bộ trưởng cho rằng, thời gian qua, nhiều công nghệ mới tiên tiến đã được ứng dụng, mang lại hiệu quả trong các ngành Y tế, Viễn thông, Giao thông. Một số ngành có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Trong thời gian tới, Bộ sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cơ chế, chính sách, quy định phù hợp với thực tiễn, thúc đẩy chương trình tìm kiếm, chuyển giao, làm chủ, phát triển công nghệ nước ngoài vào Việt Nam.
Đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội) cho biết, việc quản lý, sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cho đến nay, gần 10 năm thành lập Quỹ nhưng tình trạng thiếu tiền thừa quỹ, tồn quỹ đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Trong khi nguồn lực dành cho khoa học, công nghệ còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp không mặn mà với việc trích lập và sử dụng quỹ, cơ cấu chi của quỹ còn bất hợp lý. Nội dung chi chủ yếu dành cho tổ chức chương trình, đề tài, dự án chiếm tới 84,4%.
Trong khi đó, các khoản chi cho hỗ trợ phát triển khoa học, công nghệ tại doanh nghiệp đến nay chỉ chiếm 14,5%, mặc dù đây là nội dung chi thiết thực gắn với các doanh nghiệp. Nguyên nhân chủ yếu là do không có sự tương thích đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Với vai trò là cơ quan tham mưu của Chính phủ về nội dung này, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ như thế nào và giải pháp để khắc phục tình trạng trên ra sao?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Dương Minh Ánh, Bộ trưởng cho biết, theo quy định doanh nghiệp trích kinh phí cho quỹ này. Giai đoạn 2015-2021, tổng số doanh nghiệp trích quỹ là 1.281, chiếm 0,14% trên tổng số doanh nghiệp cả nước, giải ngân chỉ đạt 60%. Việc trích quỹ thực hiện chủ yếu ở các doanh nghiệp lớn, trong khi đó phương thức để trích lập và sử dụng quỹ còn khó khăn nên việc trích lập quỹ không được nhiều doanh nghiệp thực hiện.
Mặc dù Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành thông tư nhưng đến nay chưa thu hút thêm các doanh nghiệp tiến hành trích lập quỹ. Bộ trưởng kiến nghị Quốc hội có chính sách hiệu quả hơn, trong đó cho phép doanh nghiệp sử dụng quỹ để mua sắm trang thiết bị, máy móc để phục vụ sản xuất, kinh doanh, có như vậy, việc miễn giảm thuế mới thu hút được các doanh nghiệp.