Đồng Bương Cấn ngày ấy, bây giờ...

Xã hội - Ngày đăng : 07:10, 06/06/2023

(HNM) - Xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) từ xưa đã nổi tiếng với cánh đồng Bương Cấn rộng mênh mông, bát ngát. Sau này, do địa hình có nhiều vùng trũng, thường xuyên bị ngập úng, địa phương đã quy hoạch, chuyển đổi một phần diện tích từ trồng lúa sang làm trang trại. Đồng Bương Cấn hôm nay đã trở thành vùng chăn nuôi tập trung của huyện Quốc Oai và là nơi có nhiều tỷ phú nông dân.

Mô hình trang trại chăn nuôi của Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai) mang lại giá trị kinh tế cao.

Những tỷ phú nông dân

Sản xuất nông nghiệp chịu nhiều rủi ro bởi thiên tai, dịch bệnh, giá cả... nên bao đời nay là công việc nhọc nhằn, thu nhập thấp. Thế nhưng, ở xã Cấn Hữu, nhiều người đã làm giàu, trở thành tỷ phú nông dân.

Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND xã Cấn Hữu Cấn Văn Luân khi cùng phóng viên Báo Hànộimới thăm một vòng quanh cánh đồng Bương Cấn - nơi tập trung các mô hình kinh tế trang trại của xã.

Với hàng vạn con gà đẻ, hàng trăm con lợn thương phẩm cùng vườn cây ăn quả, hoa, cây cảnh..., gia đình anh Nguyễn Văn Lâm (thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu) là một trong những điển hình chuyển đổi thành công từ trồng lúa sang mô hình trang trại chăn nuôi. Anh Lâm chia sẻ, anh bắt đầu xây dựng trang trại của gia đình từ năm 2006 trên diện tích 13.000m2 vốn trồng lúa bấp bênh. Anh lập dự án xin chính quyền cho chuyển đổi, đào ao thả cá, trồng cây ăn quả, xây dựng khu chuồng trại nuôi gà và lợn khép kín. Hiện trang trại thường xuyên có 600 lợn thịt, 120 lợn nái, doanh thu hàng tỷ đồng/năm. Với đàn lợn nái, anh đã chủ động được giống trong chăn nuôi và cung cấp cho các hộ trong xã.

Trang trại của anh Cấn Văn Đại ở xã Cấn Hữu cũng đang có hàng nghìn gà đẻ. Theo anh Đại, thời điểm này, giá trứng là 1.700 đồng/quả, người chăn nuôi có lãi. Nếu so với trồng lúa trước kia, chăn nuôi mang lại thu nhập cho gia đình anh cao gấp 10 đến 15 lần.

Phó Chủ tịch UBND xã Cấn Hữu Cấn Văn Luân thông tin, toàn xã hiện có hơn 100 hộ phát triển mô hình kinh tế trang trại, chủ yếu là chăn nuôi gà, vịt, lợn kết hợp với trồng cây ăn quả. Đây cũng được coi là "vựa trứng" của thành phố Hà Nội, với số lượng hàng vạn quả trứng cung ứng ra thị trường mỗi ngày.

Hỗ trợ nhau trong sản xuất, người dân Cấn Hữu còn thành lập Hội chăn nuôi, Hợp tác xã chuyên ngành về chăn nuôi. Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm (xã Cấn Hữu) Nguyễn Đình Tường cho biết, hợp tác xã có 13 thành viên, thường xuyên duy trì nuôi từ 1.500 đến 1.800 lợn nái, lợn thịt. Các hộ thành viên của hợp tác xã đều chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ con giống đến thức ăn; một phần lợn thịt được giết mổ, chế biến và cung cấp cho các cửa hàng thực phẩm sạch. Hiện tại, hợp tác xã có 3 sản phẩm (thịt lợn, giò, xúc xích) được thành phố chứng nhận sản phẩm OCOP.

Hướng đi bền vững

Xã Cấn Hữu có hơn 700ha đất sản xuất nông nghiệp được chia thành 2 vùng canh tác: Ngoài đê và trong đê sông Tích. Trong đó, ngoài đê chiếm khoảng 1/3 tổng diện tích.

Với đặc thù nhiều xứ đồng úng trũng quanh năm trắng nước, sản xuất lúa bấp bênh, xã Cấn Hữu đã quy hoạch hơn 196ha chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và đã được UBND huyện Quốc Oai phê duyệt.

Tại khu vực chuyển đổi, chính quyền địa phương phân rõ thành 4 loại mô hình. Loại 1, chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây hằng năm kết hợp nuôi trồng thủy sản, diện tích 103ha; loại 2, chuyển đổi đất trũng thấp trồng cây hằng năm kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả kết hợp nuôi trồng thủy sản, 17ha; loại 3, chuyển đổi đất kém hiệu quả sang phát triển kinh tế trang trại tổng hợp, 12ha; loại 4, chuyển đổi đất trồng cây hằng năm kém hiệu quả sang vùng chăn nuôi tập trung, 64ha. Mỗi loại đất đều có quy định rõ việc người dân được phép xây dựng nhà tạm, chuồng trại chăn nuôi để phục vụ sản xuất. Đó là tiền đề quan trọng để các hộ dân phát triển mô hình kinh tế trang trại và để chính quyền địa phương quản lý việc sử dụng đất nông nghiệp đúng mục đích.

Cùng với chuyển sang các mô hình kinh tế trang trại, trên diện tích đất nông nghiệp còn lại, người dân vẫn trồng lúa, nhưng đã chuyển đổi sang những giống chất lượng cao. Hiện tại, cả xã Cấn Hữu có 60ha lúa nếp cái hoa vàng. Theo ông Cấn Văn Khoa, ở thôn Cấn Thượng, đa số các hộ dân đã chuyển sang trồng loại lúa nếp này. Vụ xuân này, gia đình ông Khoa cấy 10 mẫu để bán cho các hộ làm cốm. Với giá dao động từ 11 đến 14 nghìn đồng/kg thóc tươi, trồng lúa nếp mang lại thu nhập cao hơn so với các loại lúa khác.

Đồng Bương Cấn xưa đã được nhắc tới trong tác phẩm “Đôi mắt người Sơn Tây” của nhà thơ Quang Dũng: “Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn/Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng”. Đồng Bương Cấn cũng nổi tiếng với sản vật “cá chép Đầm Bung” được truyền tụng là một trong 4 “của ngon vật lạ” người dân đất Sơn Tây dùng để cung tiến vua. Trải qua bao đời, cánh đồng Bương Cấn vẫn bát ngát mênh mông, nhưng không úng trũng như trước. Đồng Bương Cấn bây giờ với nhiều mô hình kinh tế trang trại, những vùng trồng lúa hàng hóa đang mang lại giá trị thu nhập cao cho người dân.

Nguyễn Mai