Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) cần đưa ra công cụ để đẩy lùi ''tín dụng đen"

Tài chính - Ngày đăng : 16:55, 05/06/2023

(HNMO) - Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) chiều 5-6, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phát triển các tổ chức tín dụng nhỏ lẻ để đáp ứng nhu cầu vay tín chấp của người dân, thay vì "tín dụng đen".

Quang cảnh thảo luận tổ tại Đoàn Hà Nội.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn Hà Nội) nhận định, các giới hạn cấp tín dụng hiện nay được xây dựng trên cơ sở tính toán vốn tự có của tổ chức tín dụng từ năm 2010. Từ năm 2010 đến nay, vốn tự có của các tổ chức tín dụng đã tăng đáng kể. Trong đó, khối tổ chức tín dụng nhà nước tăng từ 6 đến 10 lần, khối ngân hàng thương mại cổ phần tăng khoảng từ 3 đến 10 lần, khối tổ chức tín dụng nước ngoài/chi nhánh ngân hàng nước ngoài tăng từ 2 đến 8 lần. Với giới hạn cấp tín dụng theo quy định hiện hành thì số dư nợ cấp tín dụng tuyệt đối cho một khách hàng hoặc khách hàng và người có liên quan cũng tăng đáng kể.

Do vậy, nếu xét theo số tuyệt đối thì vốn tín dụng cấp cho một khách hàng tại một tổ chức tín dụng tính theo giới hạn cấp tín dụng quy định tại dự thảo Luật hiện nay vẫn lớn hơn rất nhiều so với giới hạn vốn tín dụng được xác định tại thời điểm ban hành luật hiện hành.

Đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn Hà Nội) thảo luận.

”Như vậy, việc giảm giới hạn cấp tín dụng thời điểm này không hạn chế nguồn vốn tín dụng cấp cho sản xuất, kinh doanh mà ngược lại, giúp cho nhiều khách hàng khác có thể tiếp cận được thêm nguồn vốn tín dụng của ngân hàng. Đối với các trường hợp cần cho vay vượt mức giới hạn, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thể lựa chọn tăng vốn tự có, vốn được cấp hoặc cấp tín dụng hợp vốn với tổ chức tín dụng khác hoặc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cấp tín dụng vượt giới hạn”, đại biểu Phạm Đức Ấn nói.

Cho rằng, dự thảo vẫn chưa đưa ra để giải quyết đó là xóa bỏ “tín dụng đen”, đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) cho rằng cần giải quyết tận gốc vấn đề, người dân trong xã hội có nhu cầu vay nhanh những khoản vay ngắn hạn, giá trị nhỏ (chủ yếu là tín chấp). Hệ thống các tổ chức tín dụng hiện tại không đáp ứng được nhu cầu này của người dân vì thủ tục phức tạp, chi phí giao dịch cao so với giá trị khoản vay, do đó họ phải tìm tới “tín dụng đen” với rất nhiều rủi ro.

“Để giải quyết bài toán này, cần ứng dụng công nghệ, phát triển ngân hàng số, cho phép xử lý giao dịch với số lượng lớn trong thời gian ngắn, giảm chi phí giao dịch. Việc xử lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu quy mô lớn cũng cho phép đánh giá đúng khả năng trả nợ của người vay, giảm thiểu rủi ro và chi phí thu nợ”, đại biểu Tạ Thị Yên nói.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội).

Cho rằng cần mở rộng phạm vi đối tượng của dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, luật không nên chỉ dừng lại ở tổ chức tín dụng truyền thống mà còn quy định đối với các hình thức tín dụng nhỏ lẻ. Từ đó, phát triển quy mô, đưa vào khuôn khổ các hoạt động tín dụng nhỏ lẻ mà ngân hàng chưa thể đáp ứng nhanh chóng, điều này sẽ hạn chế "tín dụng đen", đáp ứng nhu cầu vay vốn nhỏ lẻ, ngắn hạn của người dân.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu).

Tham gia góp ý đối với các nội dung quy định về xử lý nợ xấu, về tổ chức tài chính vi mô do các tổ chức chính trị xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân và nhiều nội dung quan trọng khác của dự thảo luật, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị cần luật hóa xử lý các hành vi vi phạm đối với các nhân viên tổ chức tín dụng có vi phạm, đại biểu dẫn chứng về tình trạng ép người dân phải mua bảo hiểm khi có nhu cầu vay vốn ngân hàng trong thời gian qua. Từ đó, đại biểu đề nghị cần có các quy định về xử phạt đối với hành vi này và các hành vi vi phạm đối với nhân viên ngân hàng trong dự thảo luật.

Tiến Thành