Cán bộ đi trước, làng nước sẽ theo sau...
Văn hóa - Ngày đăng : 15:06, 05/06/2023
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:
Chính quyền và người dân đồng lòng, chung sức
Nhắc đến môi trường văn hóa là nhắc đến những giá trị, chuẩn mực trong hành vi, ứng xử, trong lao động, tổ chức, lãnh đạo và quản lý xã hội... đang tồn tại quanh chúng ta, tác động trực tiếp đến mỗi chúng ta. Ngược lại, con người cũng là chủ thể xây dựng nên môi trường văn hóa. Ở đâu có con người thì ở đó có môi trường văn hóa. Môi trường văn hóa gia đình được xây dựng bởi các thành viên trong gia đình, môi trường văn hóa công sở được xây dựng bởi các cán bộ, công nhân, viên chức, môi trường văn hóa học đường được xây dựng bởi các em học sinh và thầy, cô giáo...
Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là phủ định vai trò của Nhà nước, của các cấp ủy đảng, chính quyền và những người làm công tác văn hóa... Ở thời kỳ nào, vai trò của người định hướng cũng rất quan trọng. Vì thế, theo tôi, để phát huy hơn nữa vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng môi trường văn hóa, các cấp ủy đảng, chính quyền phải đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng văn hóa cơ sở. Những người làm văn hóa phải làm tốt vai trò hướng dẫn, khích lệ, đồng hành cùng người dân trong quá trình xây dựng môi trường văn hóa. Đồng thời, người dân phải cùng chính quyền đồng lòng chung sức vì mục tiêu chung. Khi cán bộ đi trước, làng nước sẽ theo sau, Nhà nước và nhân dân cùng làm, có như thế công tác xây dựng môi trường văn hóa mới có hiệu quả.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Phòng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh:
Cộng đồng dân cư - chủ thể quan trọng nhất trong xây dựng môi trường văn hóa
So với mục tiêu đặt ra thì việc xây dựng môi trường văn hóa ở nhiều nơi vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, khó khăn. Một bộ phận cư dân nhận thức về vai trò, vị trí của việc xây dựng môi trường văn hóa chưa thực sự đầy đủ, chưa toàn diện, dẫn đến cách hành xử thiếu văn minh, lịch sự. Không khó để bắt gặp ở các khu đô thị mới, hiện đại, trong khuôn viên của các di tích lịch sử và văn hóa, các công trình công cộng như công viên, vườn hoa... người dân ngang nhiên xả rác bừa bãi, gây mất mỹ quan đô thị và làm ô nhiễm môi trường. Một số cá nhân, tổ chức còn ra sức chiếm dụng không gian công cộng để kinh doanh, gây mâu thuẫn, xung đột trong cộng đồng dân cư...
Trước thực trạng trên, để xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, việc xây dựng môi trường văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bên cạnh việc phát huy tinh thần tự giác, sự chủ động, sáng tạo của mỗi người dân, yếu tố quan trọng khác là xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật đồng bộ, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể trong việc xây dựng môi trường văn hóa. Tôn vinh, biểu dương kịp thời những cá nhân, tập thể có nhiều sáng kiến, đóng góp trong việc xây dựng, giữ gìn môi trường văn hóa; có chế tài, biện pháp mạnh để xử lý, răn đe những hành vi, hiện tượng phản văn hóa, vi phạm pháp luật và quy ước cộng đồng.
Ông Trần Văn Lợi, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Oai:
Khơi dậy nguồn lực từ sức dân
Thanh Oai là huyện ngoại thành thu ngân sách hằng năm còn thấp. Xác định rõ những khó khăn đó, lãnh đạo huyện đã tích cực huy động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng nông thôn mới, xây dựng môi trường văn hóa. Huyện đã kịp thời biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, những mô hình, cách làm hay trong lĩnh vực này. Nhờ đó, nhân dân và các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài huyện đã tích cực ủng hộ bằng nhiều hình thức như đóng góp trang thiết bị cho nhà văn hóa; hoàn thiện các tuyến đường hoa, cây xanh; mua sắm dụng cụ thể thao ngoài trời, ghế đá, tu bổ tôn tạo di tích, làm đẹp cảnh quan môi trường, xây dựng các khu vui chơi giải trí, bể bơi cho trẻ em để chống đuối nước... Tiêu biểu như người dân thôn Tảo Dương (xã Hồng Dương) trong một năm đã góp 300 ghế đá, hơn 100 dụng cụ thể thao, 2.000m2 tranh bích họa, 300 cây xanh...
Trên địa bàn các thôn đang hình thành nhiều CLB thơ, múa rồng, đánh trống, bóng bàn, cầu lông, aerobic... Để phát huy hơn nữa vai trò của người dân trong việc xây dựng môi trường văn hóa, trước tiên, Đảng bộ, chính quyền huyện phải có chủ trương thu hút người dân tham gia, có cơ chế hỗ trợ. Với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chúng ta không chỉ thực hiện một cách hình thức - đầu năm đăng ký cuối năm bình xét, mà phải đưa ra cơ chế khuyến khích có sức hấp dẫn cao.
Cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu được tầm quan trọng của công tác xây dựng môi trường văn hóa. Cuối cùng, vai trò hướng dẫn, chỉ đạo của cán bộ xã, thôn cũng rất quan trọng. “Cán bộ nào, phong trào nấy”, nếu cán bộ năng động, sáng tạo, bám sát cơ sở, dám nghĩ dám làm, lăn lộn cùng người dân thì chắc chắn phong trào xây dựng môi trường văn hóa sẽ phát triển mạnh mẽ.