Cải tạo chung cư cũ phải gắn với tái thiết đô thị, quy định thời hạn sở hữu chung cư mới
Bất động sản - Ngày đăng : 13:43, 05/06/2023
Đề nghị tính toán lại việc sở hữu chung cư không có thời hạn
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhận định, nhà tái định cư ở Hà Nội “thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu”. Thừa theo nhu cầu vì vừa qua một loạt dự án người dân chỉ nhận tiền, không nhận nhà, còn thiếu vì theo Luật Đất đai phải có nhà tái định cư mới được triển khai dự án. Do đó, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho rằng, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) nên có hướng mở hơn, hoàn toàn giao cấp tỉnh có thể bố trí từ nhà tái định cư sang nhà ở xã hội và ngược lại để linh hoạt hơn.
“Chả lẽ bố trí dân ở phía Tây Hà Nội sang Long Biên nhận nhà tái định cư? Vô lý lắm!”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nói, đồng thời nhấn mạnh, tình trạng trên dẫn đến hệ quả là thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu và rất ách tắc trong triển khai các dự án giao thông, dự án trọng điểm của thành phố.
Về trách nhiệm nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị bổ sung chế tài bắt buộc trong luật về việc các chủ đầu tư này phải đảm bảo việc đầu tư hạ tầng xã hội. “Thực tiễn có chuyện làm nhà bán xong nhưng quay đi quay lại rất thiếu hạ tầng xã hội trong các dự án, như thiếu trường học, bệnh viện. Ngay ở Thủ đô, có dự án nhà ở 20 năm nay rồi chưa xây được trường học, dân vào ở kín mít”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nêu rõ và cho biết, thành phố yêu cầu những dự án không đầu tư hạ tầng xã hội sẽ thu hồi lại, đề nghị tiếp tục đầu tư, có thể bằng ngân sách hoặc kêu gọi nhà đầu tư thứ phát.
Liên quan cải tạo chung cư cũ, Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu nhiều bất cập khi chung cư là sở hữu của người dân nhưng lại quy định cải tạo bằng đầu tư công, hoặc việc người dân đóng góp kinh phí kiểm định nhà chung cư.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho rằng: “Chỗ này không cần thiết mà Nhà nước nên đứng ra làm. Bây giờ đang muốn cải tạo chung cư, thỏa thuận với người dân vui vẻ rời đi, lại bảo góp tiền để kiểm định thì vô lý”. Theo Bí thư Thành ủy, quy định cứng như vậy sẽ không thể làm được khi vận hành. Muốn an toàn cho người dân thì Nhà nước phải có trách nhiệm, nguồn vốn dành cho việc cần thiết thì Nhà nước bỏ ra.
Bên cạnh đó, cải tạo chung cư cũ phải gắn với tái thiết đô thị và quy định thời hạn sở hữu chung cư mới giải quyết được vấn đề. Thay vì cách làm cải tạo từng tòa nên cải tạo chung cư theo từng khu. Ví dụ nơi nào có 4-5 tòa chung cư cũ, mỗi tòa 4-5 tầng thì khi đầu tư xây dựng lại, chỉ làm 1-2 tòa và làm cao tầng hơn, còn bên dưới để làm không gian thương mại và dịch vụ, tầng hầm, bãi đỗ xe… Theo Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, làm như vậy người dân sẽ có không gian sống đảm bảo hơn và nhà đầu tư cũng có lợi ích.
Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, khi quy định chung cư có thời hạn, Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ cuộc sống người dân, cưỡng chế di dời khi chung cư xuống cấp, nguy hiểm cũng là bình thường, vì lợi ích của người dân. Hoặc khi chưa đến thời hạn hoặc sát đến thời hạn rồi mà chung cư xuống cấp, người dân tự nguyện đồng tình thì Nhà nước cũng đứng ra làm.
“Vừa qua, Hà Nội lo vì sợ rủi ro cháy nổ, động đất thì không biết hậu quả thế nào. Bên cạnh đó còn thực tế nhiều nhà lắp ghép, cơi nới nên rất áp lực”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nêu thực tế và đề nghị tính toán lại việc sở hữu chung cư không có thời hạn.
Thẩm quyền HĐND cấp tỉnh quyết định vấn đề về nhà ở là phù hợp
Nhấn mạnh Luật Nhà ở rất quan trọng với Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho hay, vấn đề cần quan tâm khi triển khai xây dựng các dự án, đó là phải đảm bảo đủ điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy. Vấn đề sở hữu chung - riêng giữa chủ đầu tư - cư dân - quản lý chung cư cũng cần phải quan tâm, kể cả khu vực để xe đạp cho người khuyết tật cũng có tranh chấp phức tạp. Sau này nên chăng trong bản vẽ thiết kế của Sở Xây dựng nghiên cứu cả vấn đề này.
“Liên quan cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, Chính phủ đã có Nghị định 69/2021/NĐ-CP, nhưng ngoài rà soát, cần tính toán hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp, Nhà nước. Đồng thời, khi xây dựng, cải tạo cần gắn với vấn đề quy hoạch để đảm bảo đồng bộ”, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Tán thành việc sửa đổi Luật Nhà ở, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, nội dung thỏa thuận với nhà đầu tư trong việc lấy đất làm dự án dễ dẫn đến mất bình đẳng giữa các giá đền bù, vì thế nên có sự can thiệp của Nhà nước. Đại biểu cũng cho rằng, thẩm quyền HĐND cấp tỉnh quyết định vấn đề về nhà ở là phù hợp.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, Nhà nước thu hồi đất sẽ đảm bảo lợi ích cho người dân. Nếu để cho người dân tự thỏa thuận, không phải người dân nào cũng có đủ năng lực để thỏa thuận với nhà đầu tư. Khi đó lại xảy ra tình trạng cùng một dự án, chỗ này đền bù giá cao, chỗ kia giá thấp, trong khi có các dự án Nhà nước thu hồi đất vì lợi ích công cộng lại thực hiện đền bù theo giá Nhà nước, sẽ nảy sinh khiếu kiện. Do đó, Nhà nước đã thu hồi đất là phải đền bù thỏa đáng.