Tạo hành lang pháp lý cho việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng
Tài chính - Ngày đăng : 09:20, 05/06/2023
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, sáng 5-6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nhằm tăng cường phòng ngừa rủi ro, tăng cường năng lực tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng. Đồng thời, xây dựng công cụ để quản lý các tổ chức tín dụng; phát hiện sớm vi phạm và xử lý kịp thời trách nhiệm của các cá nhân quản trị, điều hành tổ chức tín dụng. Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng.
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng hướng đến bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; tăng cường các biện pháp thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành để quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo; xử lý tình huống người gửi tiền rút tiền hàng loạt và có cơ chế hiệu quả để cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Về quan điểm xây dựng Luật, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, việc xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cần bám sát quan điểm của Đảng và Nhà nước nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại tổ chức tín dụng bảo đảm an toàn hệ thống, tăng cường tính minh bạch, công khai và phù hợp với nguyên tắc thị trường và thông lệ quốc tế tốt nhất, tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng.
Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật kế thừa quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành và bổ sung việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Về đối tượng áp dụng, dự thảo Luật bổ sung thêm đối tượng áp dụng là tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán xử lý nợ.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, với mục tiêu tạo điều kiện để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về cấp tín dụng. Trong đó, đơn giản hóa thủ tục cho các khoản cho vay tiêu dùng, các khoản cho vay nhỏ lẻ phục vụ đời sống; tạo lập hành lang pháp lý cho việc cung ứng dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng như bổ sung quy định điều chỉnh hoạt động cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử.
Đối với các hạn chế để bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, để hạn chế rủi ro từ tập trung tín dụng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng của một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan. Đồng thời, dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định điều chỉnh giới hạn góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng nhằm tăng cường tính đại chúng trong hoạt động của tổ chức tín dụng.
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, một trong những điểm mới, nhưng khiến cơ quan thẩm tra còn nhiều lo ngại ngay từ khi thẩm tra sơ bộ là bổ sung quy định tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước can thiệp sớm.
Theo đó, dự thảo Luật cho phép sử dụng cho vay đặc biệt ngay từ bước can thiệp sớm, đồng thời mở rộng thêm một số khái niệm như cho vay không có tài sản bảo đảm, chỉ định cho vay đặc biệt; ấn định lãi suất cho vay đặc biệt là 0%/năm và cơ chế hỗ trợ cho tổ chức tín dụng cho vay đặc biệt. Cụ thể, ngân hàng thuộc trường hợp can thiệp sớm khi bị rút tiền hàng loạt dẫn tới mất khả năng chi trả, hoặc tổ chức tín dụng không duy trì được tỷ lệ chi trả và an toàn vốn lần lượt trong 3 và 6 tháng liên tục, có lỗ lũy kế lớn hơn 20% giá trị vốn điều lệ cùng các quỹ dự trữ.
Một trong những biện pháp áp dụng với nhóm này là cho vay đặc biệt, không cần tài sản đảm bảo, lãi suất 0% một năm từ Ngân hàng Nhà nước, bảo hiểm tiền gửi và các nhà băng khác. Ủy ban Kinh tế cho rằng, Ngân hàng Nhà nước với vai trò là người cho vay cuối cùng thực hiện cho vay đặc biệt là cần thiết để bảo đảm tính thanh khoản, mục tiêu an toàn hệ thống, ngăn chặn sự cố rút tiền hàng loạt, ổn định an ninh, trật tự an toàn xã hội.
“Tuy nhiên, cần rà soát các trường hợp được tiếp cận khoản vay đặc biệt theo hướng chỉ áp dụng trong trường hợp có sự cố rút tiền hàng loạt hoặc trong trường hợp có nguy cơ đổ vỡ ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng, gây bất ổn xã hội và Ngân hàng Nhà nước phải chịu trách nhiệm với quyết định cho vay đặc biệt, các giải pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng gặp khó khăn, mặc dù không sử dụng ngân sách nhà nước, nhưng gián tiếp ảnh hưởng đến ngân sách”, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.