Thực chất tạo nên hiệu quả
Đời sống - Ngày đăng : 07:08, 05/06/2023
Hiện nay, quận Ba Đình có 4.689 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy, trong đó có 911 cơ sở do cơ quan công an quản lý. Quận đã vận động xã hội hóa và động viên người dân trang bị bình chữa cháy cho 37.275/43.848 hộ dân (đạt 85%); tập huấn và trang bị bình chữa cháy cho 100% hộ sản xuất, kinh doanh (2.466/2.466 hộ).
Công tác tập huấn, tuyên truyền nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy cũng được triển khai hiệu quả. Toàn quận đã tuyên truyền về an toàn phòng cháy, chữa cháy cho 43.520/43.848 hộ gia đình (đạt 99%), bên cạnh việc vận động người dân tháo dỡ “chuồng cọp”, mở lối thoát hiểm thứ hai. Đối với các loại hình, ngành nghề, lĩnh vực, cơ sở mang tính đặc thù cũng được quận quan tâm tuyên truyền bảo đảm phù hợp với thực tiễn.
Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn quận Ba Đình xảy ra gần 30 vụ cháy và sự cố cháy. Các vụ cháy, sự cố xảy ra đều được lực lượng tại chỗ xử lý kịp thời, không gây thiệt hại lớn về người và tài sản đã cho thấy thực chất hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của quận. Thực tế tại vụ cháy căn nhà trong ngõ 125 phố Vĩnh Phúc (phường Vĩnh Phúc) xảy ra vào sáng 17-5 vừa qua, anh Đào Nguyên Quang (chủ nhà) nhận định, trước đó gia đình đã được phường tập huấn về công tác chữa cháy nên đã tích lũy được kinh nghiệm, đồng thời gia đình cũng thực hiện mở lối thoát hiểm thứ hai ngoài lan can nên cả 4 người trong gia đình đã thoát nạn trong tích tắc.
Đến cuối tháng 5-2023, quận Ba Đình đã ra mắt 44/66 tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy (đạt 66,7%); 129/387 điểm chữa cháy công cộng (đạt 33,3%). Thiếu tá Nguyễn Đức Thắng, Phó trưởng Công an quận Ba Đình cho biết, quan điểm trọng tâm xây dựng tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy phải đạt được các tiêu chí thiết thực, hiệu quả, không chạy theo số lượng. Kiểm tra công tác xây dựng tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy tại tổ dân phố số 10A (phường Giảng Võ), Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ quận Ba Đình đã chỉ ra vấn đề chuông báo cháy được lắp đặt ở địa điểm không phù hợp, bình chữa cháy để sát nguồn điện… Từ đó, Đoàn kiểm tra yêu cầu tổ liên gia chấn chỉnh lại trước khi ra mắt.
Với đặc thù địa bàn quận có nhiều chung cư, nhà tập thể, quận Ba Đình cũng chú trọng trang bị cho người dân những kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cụ thể tại các chung cư cao tầng; xây dựng mô hình “Chung cư an toàn phòng cháy, chữa cháy” phù hợp nhất với tình hình thực tế của mỗi tòa nhà. Ông Lê Đình Sơn, Giám đốc Vận hành tòa nhà Lotte Center Hà Nội cho biết, để thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, tòa nhà luôn chú trọng bồi dưỡng nhân sự, đầu tư và thay mới định kỳ trang thiết bị hiện đại để bảo đảm cảnh báo sớm và kịp thời khi có sự cố. Đồng thời, tòa nhà phối hợp với quận Ba Đình để thực tập các phương án xử lý tình huống và nâng cao kiến thức cho đội ngũ nhân viên tòa nhà.
Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Trung Dũng cho biết, công tác tuyên truyền, xây dựng các mô hình được thực hiện hiệu quả, từ đó người dân tại các khu dân cư đã bắt đầu ý thức hơn về sự nguy hiểm mà cháy, nổ gây ra, tham gia nhiệt tình các hoạt động phòng cháy, chữa cháy tại địa bàn. “Chính sự hiểu biết và thành thục trong vận hành, sử dụng công cụ phương tiện chữa cháy sẽ mang lại hiệu quả khi xuất hiện đám cháy xảy ra ở bất cứ đâu”, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình khẳng định.
Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Trung Dũng cho biết thêm, bên cạnh nhân rộng các mô hình phòng cháy, chữa cháy hiệu quả, quận cũng tổ chức đánh giá lại việc thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nói chung và thực tiễn thực hiện các mô hình nói riêng; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở để bảo đảm phương châm “4 tại chỗ” về phòng cháy, chữa cháy tại tất cả các loại hình cơ sở, sẵn sàng triển khai nhân lực, vật lực khi xảy ra cháy, nổ.