Lễ phát động quốc gia Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam
Công nghệ - Ngày đăng : 11:06, 04/06/2023
Ngày Môi trường thế giới năm 2023 được Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”, trong đó tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa”.
Gắn với chủ đề Ngày Đại dương thế giới năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động chủ đề Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2023 (từ ngày 1-6 đến 8-6) là “Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo” với mục tiêu tổng quát đến năm 2030, tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả, công bằng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế; ô nhiễm môi trường biển được ngăn ngừa, kiểm soát, giảm thiểu đáng kể...
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia biển và biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, phát triển bền vững kinh tế biển là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta với quan điểm phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; tăng cường liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước, đạt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh. Song, như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang đứng trước không ít thách thức khi vấn đề ô nhiễm trắng liên quan mật thiết tới phát triển kinh tế và ổn định xã hội.
Cùng với khoảng 50% dân số cả nước sống ở các vùng đất thấp và ven biển, Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia dễ bị tổn thương và chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nước biển dâng. Điều đó đặt ra nhiều thách thức đối với việc thực hiện các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển thiên niên kỷ, phát triển bền vững của đất nước, đòi hỏi chúng ta có giải pháp ứng phó thiết thực, kịp thời.
Trong thời gian qua, theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển đất nước; hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng biển được cải thiện…
Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên biển và hải đảo của Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Ngày Môi trường thế giới và Ngày Đại dương thế giới năm nay là cơ hội để chúng ta cùng khẳng định quyết tâm, thay đổi nhận thức, thống nhất hành động, chủ động khắc phục khó khăn, thách thức; ngăn chặn sự gia tăng về tốc độ ô nhiễm, suy thoái môi trường; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo, bảo đảm cân bằng sinh thái; thay thế từng bước việc sử dụng túi nilon khó phân hủy bằng sản phẩm thân thiện môi trường trong đời sống sinh hoạt, góp phần bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Nhân sự kiện này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh kêu gọi các bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể ở Trung ương, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp có hành động thiết thực giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ biển và đại dương; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo...