3 ca tử vong do bệnh tay chân miệng đầu tiên trong năm 2023
Xã hội - Ngày đăng : 17:03, 03/06/2023
Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, trong 5 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận 8.995 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 3 trường hợp tử vong tại Đắk Lắk, Kiên Giang và Long An. So với cùng kỳ 2022, số ca mắc tay chân miệng giảm 28%, tử vong tăng 2 trường hợp; trong đó ghi nhận số mắc cao nhất tại miền Nam với 6.204 ca; tiếp đến là miền Bắc có 2.007 ca, miền Trung có 656 ca và Tây Nguyên có 130 ca.
Nếu như trong tháng 1-2023 ghi nhận 1.070 ca mắc tay chân miệng thì đến tháng 5-2023 đã tăng lên 3.101 ca. Đặc biệt, số ca mắc tay chân miệng trong các tuần gần đây đã có xu hướng gia tăng nhanh và có 3 ca tử vong trong tháng 5 năm 2023. Đây cũng là 3 ca tử vong do tay chân miệng đầu tiên trong năm nay.
Số mắc tay chân miệng chủ yếu gặp ở trẻ nam (chiếm 60%), trẻ nữ chiếm 40% tổng số mắc. Số mắc tay chân miệng chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 98,5%), trong đó hay gặp ở nhóm từ 1-5 tuổi, tuổi trẻ đi nhà trẻ và mẫu giáo (chiếm 84%) và dưới 1 tuổi (chiếm 18%).
Kết quả giám sát vi sinh về tác nhân gây bệnh tay chân miệng năm 2023 đã ghi nhận gia tăng tỷ lệ các trường hợp dương tính Enterovirus 71 (EV71) trong tổng số mẫu được xét nghiệm, từ 5,9% tuần 14 năm 2023 lên 19,2% tuần 20 năm 2023. Sự xuất hiện của vi rút Enterovirus 71 (EV71) có khả năng gây bệnh nặng ở một số trường hợp mắc bệnh.
Do đó, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tiếp tục tăng cường giám sát, phát hiện sớm, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch tay chân miệng. Đồng thời, tăng cường lấy mẫu các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng đặc biệt là các trường hợp nặng, có biến chứng, từ đó xác định sự lưu hành của týp vi rút gây bệnh và theo dõi sự biến đổi của vi rút.
Cùng với bệnh tay chân miệng, theo báo cáo từ hệ thống giám sát dịch bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế, từ ngày 5-5 đến ngày 30-5, trên địa bàn huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên ghi nhận 3 ổ dịch bệnh than thể da với 13 trường hợp mắc tại xã Mường Báng (1 ổ dịch than), xã Xá Nhè (2 ổ dịch than). Tất cả các trường hợp mắc bệnh hiện đang được theo dõi, điều trị tại các cơ sở y tế và hiện chưa có trường hợp nào tử vong.
Qua điều tra và xét nghiệm đã phát hiện vi khuẩn than trong mẫu thịt trâu, bò ốm chết và mẫu đất thu thập tại các hộ gia đình giết mổ trâu, bò ốm và những hộ gia đình có người nghi mắc bệnh than tại khu vực ổ dịch.
Theo tiền sử dịch tễ, các ca bệnh than này đều được ghi nhận ở những xã tại huyện Tủa Chùa. Đây là những xã đều đã từng xuất hiện ổ dịch than trước đây. Các trường hợp mắc bệnh này đều liên quan tới việc tham gia giết mổ và sử dụng thịt của trâu, bò ốm chết do bệnh than. Hiện tại, 119 người có liên quan tới ổ dịch (gồm: Người tham gia giết mổ, ăn thịt trâu, bò ốm chết) đã được lập danh sách, theo dõi sức khỏe và hiện tại sức khỏe ổn định.
Tại Việt Nam, bệnh than thường lưu hành ở các tỉnh miền núi phía Bắc, bao gồm: Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Thái Nguyên, Hà Giang vẫn ghi nhận rải rác một số trường hợp mắc bệnh than trên người. Trung bình giai đoạn 2016-2022, toàn quốc ghi nhận 7 ca/năm và không có ca tử vong.
Theo Bộ Y tế, bệnh than liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm và vệ sinh giết mổ động vật. Tại Điện Biên, đã xuất hiện ổ dịch bệnh bệnh than ở trâu, bò dẫn nhưng người dân không khai báo cho chính quyền địa phương mà tự mổ thịt và bán cho người dân ở thôn, bản khác để thịt ăn dẫn đến xuất hiện 3 ổ dịch bệnh than trên người.
“Nhận thức của người dân về các biện pháp phòng bệnh cũng như thói quen vệ sinh an toàn thực phẩm của người dân chưa cao. Đồng thời, thói quen chăn nuôi gia súc cũng dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh sang khu vực khác”, Bộ Y tế nhận định.