Ấn Độ: Gia đình có người thiệt mạng trong vụ tai nạn tàu hỏa sẽ được bồi thường 12.000 USD
Thế giới - Ngày đăng : 16:15, 03/06/2023
Ít nhất 288 người được xác nhận đã thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương sau vụ va chạm giữa hai đoàn tàu chở khách và một đoàn tàu chở hàng ở thành phố Balasore, phía Đông bang Odisha, tối 2-6. Tuy nhiên, lực lượng cứu hộ dự đoán số người chết sẽ còn tăng thêm, vì nhiều người được cho là bị mắc kẹt dưới các toa tàu bị lật.
Hơn 200 xe cứu thương và 180 bác sĩ đã được điều tới hiện trường tai nạn tại huyện Balasore của bang Odisha. Toàn bộ các bệnh viện tại huyện Balasore đều đặt trong tình trạng báo động cao. Bộ trưởng Đường sắt Ashwini Vaishnaw cho biết, gia đình của những người thiệt mạng sẽ nhận được 1 triệu rupee (12.000 USD), trong khi những người bị thương nặng sẽ nhận được 200.000 rupee và 50.000 rupee cho những người bị thương nhẹ. Chính quyền một số bang cũng đã công bố bồi thường.
Vụ việc xảy ra vào lúc 19h, giờ địa phương ngày 2-6, khi tàu Howrah Superfast Express, khởi hành từ Bangalore tới Howrah, Tây Bengal va chạm với tàu Coromandel Express đang từ Kolkata tới Chennai. Khoảng 10 đến 12 toa của một tàu đã bị chệch khỏi đường ray và đổ sang tuyến đường sắt bên cạnh. Tàu chở khách thứ hai đi hướng ngược lại đã đâm phải tàu trên, khiến 3 toa bị chệch khỏi đường ray. Nguyên nhân của vụ tai nạn thảm khốc vẫn chưa được xác định.
Chính quyền bang Odisha đã tuyên bố ngày 3-6 là ngày tưởng niệm các nạn nhân sau thảm họa đường sắt tồi tệ nhất ở Ấn Độ trong hai thập kỷ. Hàng chục chuyến tàu bị hủy. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tới hiện trường và cam kết “hỗ trợ hết sức có thể” cho các nạn nhân.
Vụ tai nạn xảy ra ở bang Odisha đã gây chấn động Ấn Độ, hiện là quốc gia đông dân nhất thế giới, và đặt lại những câu hỏi lâu nay về các vấn đề an toàn trong một hệ thống vận chuyển hơn tám tỷ người mỗi năm - gần tương đương với dân số thế giới. Đất nước này đã đầu tư rất nhiều vào hệ thống đường sắt trong những năm gần đây, nhưng hàng trăm vụ tai nạn vẫn xảy ra mỗi năm. Nguyên nhân các vụ tai nạn phần lớn là do sai sót của con người và thiết bị tín hiệu lỗi thời.
Số người chết trong vụ tai nạn hôm thứ 6 đã vượt qua vụ tai nạn nghiêm trọng năm 2016 với hơn 140 người thiệt mạng trong vụ tàu trật đường ray ở phía bắc bang Uttar Pradesh. Vụ tai nạn đường sắt thảm khốc nhất ở Ấn Độ xảy ra vào năm 1981 khi một đoàn tàu lao khỏi cầu và lao xuống một con sông ở bang Bihar, khiến khoảng 800 người thiệt mạng.