Giám sát an toàn thực phẩm từ gốc

An toàn thực phẩm - Ngày đăng : 07:31, 03/06/2023

(HNM) - Để cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô, các địa phương đã đẩy mạnh việc giám sát chất lượng nông, lâm, thủy sản, kịp thời phát hiện những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ lưu thông trên thị trường. Công tác này đã từng bước góp phần nâng cao nhận thức, hành động về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Thanh Trì kiểm tra an toàn thực phẩm tại một cơ sở sản xuất ở xã Tả Thanh Oai. Ảnh: Thu Xuyến

Vẫn còn nhiều vi phạm

Từ đầu năm 2023 đến nay, các đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Thanh Trì đã kiểm tra, giám sát 82 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Qua kiểm tra có 75 cơ sở (chiếm 91,5%) bảo đảm các quy định về an toàn thực phẩm và 7 cơ sở chưa đạt (chiếm 8,5%) các yêu cầu về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Một số cơ sở chưa đạt là do quy trình sản xuất thực phẩm không theo nguyên tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng, dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy theo quy định. Cùng với đó, người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; nơi kinh doanh, bày bán, bảo quản thực phẩm có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập…

Còn tại quận Ba Đình, theo Phó Chủ tịch UBND quận Phạm Thị Diễm, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023, quận đã tổ chức kiểm tra, giám sát, tư vấn đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn thuộc quận quản lý, xử phạt 76 cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống... vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn quận còn gặp không ít khó khăn. Ý thức chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm của người sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống chưa cao, còn chạy theo lợi nhuận trong kinh doanh hàng hóa, không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ, hoặc việc lưu giữ hồ sơ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ chưa được duy trì thường xuyên.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Hà Tiến Nghi cho biết, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023, trên địa bàn thành phố không có vụ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm nào xảy ra. Các đoàn kiểm tra liên ngành đã lấy 18.271 mẫu xét nghiệm nhanh để đánh giá sàng lọc chất lượng an toàn thực phẩm, thì có 16.876 mẫu đạt yêu cầu (chiếm 92,4%) và 1.395 mẫu không đạt yêu cầu (chiếm 7,6%).

Thực tế kiểm tra trên địa bàn thành phố cho thấy, vẫn còn cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản vi phạm về an toàn thực phẩm. Nguyên nhân là do số lượng cơ sở lớn, phần lớn lại nhỏ lẻ, thậm chí có cơ sở hoạt động theo thời vụ, gây khó khăn cho việc kiểm tra. Hơn nữa, nông sản chủ yếu được tiêu thụ qua kênh truyền thống chợ đầu mối, chợ dân sinh và thói quen của người dân là vẫn sử dụng thực phẩm bán hàng rong, không cố định, chưa quan tâm nhiều đến nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm...

Kiểm soát từ nơi sản xuất

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng, để kiểm soát chất lượng nông, lâm, thủy sản từ nơi sản xuất đến bàn ăn, huyện đã và đang quy hoạch, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp, tập trung an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Trong thời gian tới, huyện Thanh Trì tiếp tục yêu cầu các phòng, ban chuyên môn, các xã, thị trấn làm tốt các mô hình điểm, đề án an toàn thực phẩm theo kế hoạch của thành phố. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản, quy định của Nhà nước về an toàn thực phẩm; vận động các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm. Ngoài ra, lực lượng chức năng của huyện sẽ tăng cường kiểm tra theo kế hoạch, chuyên đề, đột xuất tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, các bếp ăn tập thể... đồng thời, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn huyện.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng, trong thời gian tới, huyện tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn và nhân rộng các vùng sản xuất an toàn để kiểm soát chất lượng. Huyện cũng tổ chức kiểm tra, đánh giá, xếp loại các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản và tăng cường kiểm tra lại đối với những cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản xếp loại C, không đủ điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm, nếu không có sự thay đổi sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

“Bên cạnh đó, huyện tăng cường giám sát, phòng, chống ngộ độc thực phẩm, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, trang thiết bị cần thiết để sẵn sàng điều tra, xử lý khi không may xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm trên địa bàn; thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn triển khai các mô hình điểm về an toàn thực phẩm, các chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn”, ông Hồ Việt Hùng cho hay.

Để siết chặt công tác quản lý an toàn thực phẩm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, các địa phương thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo chuỗi, làng nghề thực phẩm, chợ đầu mối nông sản thực phẩm an toàn; tăng cường quản lý thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra đột xuất lấy mẫu, giám sát hậu kiểm tự công bố về chất lượng an toàn thực phẩm tại các doanh nghiệp; xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh, buôn bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vi phạm an toàn, vệ sinh thực phẩm trên thị trường. Hiện tại, Hà Nội đã cấm giết mổ gia cầm sống trong nội thành, song tình trạng này vẫn xảy ra, do đó các quận cần tăng cường thanh tra, kiểm tra cơ sở giết mổ gia cầm sống để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Các cơ quan chức năng ngăn chặn việc nhập lậu các sản phẩm động vật không bảo đảm vệ sinh, an toàn để đưa vào tiêu thụ trên thị trường Hà Nội.

Quỳnh Dung