Vì sao điện gió... gặp khó?

Kinh tế - Ngày đăng : 07:39, 03/06/2023

(HNM) - Theo thống kê của Bộ Công Thương, cả nước hiện có 85 dự án năng lượng tái tạo (gồm 8 dự án điện mặt trời và 77 dự án điện gió) với tổng công suất hơn 4.700MW dạng chuyển tiếp (không kịp hoàn thành đúng thời điểm hưởng chính sách ưu đãi về giá). Phải đến ngày 7-1-2023, Bộ mới ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT về khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Nhưng các chủ đầu tư "chê" giá thấp, thiếu mặn mà với việc nộp hồ sơ đàm phán.

Đến khi Chính phủ có văn bản chỉ đạo sát sao, tình hình đã thay đổi. Chấp nhận mức giá tạm thời, các chủ đầu tư đã tích cực ngồi lại đàm phán. Tính đến hết ngày 31-5, có 59/85 dự án với tổng công suất 3.389,811MW đã gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán; trong đó có 50 dự án (tổng công suất 2.751,611MW) đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần theo Quyết định số 21/QĐ-BCT; có 9/85 dự án gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD), trong đó có 7 dự án/phần dự án với tổng công suất 430,22MW đã hoàn thành thủ tục, chính thức phát điện. Theo thống kê, còn 50 dự án đã thống nhất giá tạm nhưng vướng mắc thủ tục, như thiếu toàn bộ hồ sơ COD, chứng nhận phòng cháy, kết quả kiểm tra nghiệm thu...

Thực tế trên cho thấy, với sự phát triển "nóng", các dự án năng lượng tái tạo đang bộc lộ nhiều hệ lụy cần cởi gỡ. Trả lời cho câu hỏi "Vì sao điện gió... gặp khó?" sẽ nhận ra trách nhiệm nằm ở cả cơ quan quản lý, chính quyền nhiều địa phương và các chủ đầu tư.

Thời gian tới đây, các cơ quan quản lý, các cấp chính quyền cần tiếp tục tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm phát điện lên lưới, tránh lãng phí tài nguyên và kinh phí đầu tư. Yêu cầu cấp bách này cũng cần sự hợp tác của các doanh nghiệp trên tinh thần bảo đảm đúng các quy định của pháp luật.

Bảo Hân