Kịch cho thiếu nhi: Nỗ lực trên con đường khó!

Văn hóa - Ngày đăng : 06:35, 03/06/2023

(HNMCT) - Làm sân khấu cho thiếu nhi luôn là phần việc khó đối với các đơn vị nghệ thuật bởi nhiều lý do: Sự cạnh tranh gay gắt của các loại hình giải trí khác, tính mùa vụ... Tuy vậy, nhiều nhà hát vẫn quyết định "chọn việc khó", mong muốn “gieo hạt” tình yêu sân khấu cho các em.

Cảnh trong vở nhạc kịch “Giấc mơ của Bờm”.

Mùa hè sôi động

Chuẩn bị cho Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6 và dịp hè 2023, ngay từ đầu tháng 5, Nhà hát Tuổi trẻ đã cho ra mắt nhiều vở diễn đặc sắc cùng những hoạt động nghệ thuật hấp dẫn dành cho thiếu nhi trong khuôn khổ dự án "Mùa hè yêu thương 2023". Đây là hoạt động thường niên của Nhà hát, gồm chuỗi trải nghiệm nghệ thuật mới mẻ, sôi động không chỉ dành cho các khán giả nhỏ tuổi mà còn thu hút sự đồng hành của các bậc phụ huynh, góp phần thúc đẩy sự gắn kết, yêu thương trong gia đình và xã hội. Năm nay, dự án “Mùa hè yêu thương 2023” mang đến cho các em hai vở diễn: “Giấc mơ của Bờm” lấy cảm hứng từ truyện dân gian Việt Nam; “Chú mèo dạy hải âu bay” chuyển thể từ tác phẩm văn học của nhà văn người Chile Luis Sepulveda.

Đến với sân khấu Lệ Ngọc dịp này, khán giả nhí sẽ được thưởng thức hai vở diễn là “Dế Mèn” và “Đám cưới con gái chuột”. Đây đều là những vở diễn đã gây tiếng vang trên sân khấu kịch. Trong đó, riêng vở “Dế Mèn” đã thu hút hơn 50.000 lượt khán giả trong nước và quốc tế, lưu diễn ở rất nhiều quốc gia. Còn vở “Đám cưới con gái chuột” vừa được sân khấu Lệ Ngọc đưa sang Singapore theo lời mời của Hội đồng Sách Singapore (Singapore Book Council) để tham dự Liên hoan Văn học thiếu nhi châu Á (AFCC) vào cuối tháng 5-2023.

Ngay từ đầu tháng 4, Nhà hát Chèo Hà Nội đã khởi công vở “Chuyện thằng Bờm” (tác giả: NSƯT Tạ Tấn Minh; đạo diễn: NSƯT Lê Tuấn) và cho ra mắt khán giả đúng dịp 1-6. Theo Nhà hát, đây là tác phẩm phục vụ chương trình “Giới thiệu và biểu diễn các vở diễn được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới có trong chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2030”.

Cũng trong dịp này, Nhà hát Kịch Hà Nội biểu diễn phục vụ khán giả nhỏ tuổi vở “Hai viên ngọc thần” - còn gọi là “Cổ tích dã tràng” (tác giả: Nhật Linh; đạo diễn: NSND Tuấn Hải). Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho ra mắt chương trình kịch xiếc thiếu nhi mới dàn dựng có tên “Tấm Cám - Bống Bống - Bang Bang”. Vở diễn tái hiện những cảnh thần tiên trong truyện cổ tích Việt Nam với 3 phân cảnh độc đáo, hoành tráng, kịch tính và hấp dẫn...

Nỗ lực làm mới

Lâu nay, sân khấu cho thiếu nhi được xem là có tính chất “mùa vụ”, tập trung chủ yếu vào dịp 1-6 và hai tháng đầu học sinh được nghỉ hè. Chính vì tính chất “mùa vụ” nên không khó để nhận ra, trong số những kịch mục được đưa ra phục vụ các em dịp này có những vở đã được dàn dựng từ lâu. Xu hướng chuyển thể tác phẩm văn học thiếu nhi, truyện ngụ ngôn, cổ tích vẫn chiếm ưu thế trên sân khấu kịch. Tuy nhiên, các nghệ sĩ luôn cố gắng sáng tạo, mang đến những điểm mới thú vị cho các em. Theo NSƯT Sĩ Tiến, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, năm nay Nhà hát đã mua bản quyền của nước ngoài để đưa vở “Chú mèo dạy hải âu bay” lên sàn diễn.

Ngay cả những nhân vật quen thuộc như thằng Bờm, Tấm, Cám, Dế Mèn... cũng được dùng để kể cho các em câu chuyện vừa quen vừa lạ với những tình huống mới, ngôn ngữ hiện đại, dí dỏm, phù hợp với khán giả nhí hiện nay. NSƯT Ánh Tuyết từng chia sẻ với Hànộimới Cuối tuần: “Khi bắt tay làm một vở diễn, tôi luôn xác định đối tượng khán giả của mình là ai. Tôi làm với mục đích gì? Tôi làm cho ai xem? Độ tuổi là 12 - 18 hay là 8 - 15? Trong độ tuổi ấy các bạn thích gì?... Sau đó tôi mới chọn kịch bản. Điều đó giúp tôi đáp ứng được các tiêu chí khác nhau đối với vở diễn của mình. Tôi không quan trọng là kịch bản đó xuất phát từ đâu, miễn sao đáp ứng được đúng tâm lý khán giả của mình là được”. Và, với vở “Giấc mơ của Bờm”, chị đã đưa câu chuyện dân gian này lên sân khấu qua thể loại nhạc kịch, kể câu chuyện bằng âm nhạc để đến gần hơn với các em nhỏ.

Đáp lại sự kiên trì nỗ lực của các nghệ sĩ, năm nay, sân khấu cho thiếu nhi được đánh giá là sôi động hơn. Nhà hát Múa rối Thăng Long cho biết: “Thời tiết chuyển hè có phần nắng nóng nhưng vẫn không ngăn cản được tình yêu múa rối của khán giả trong nước và quốc tế, đặc biệt là các khán giả nhí thân thương của nhà hát. Đầu tháng 5, Nhà hát đã có gần 300 show diễn rối nước và rối cạn.

Từ nay đến mùng 1-6, Nhà hát nhận biểu diễn liên tục các chương trình rối nước vào buổi tối, buổi sáng, đặc biệt là những chương trình rối cạn đặc sắc tại Nhà hát và các trường học để phục vụ các bạn nhỏ”. Nhà hát Tuổi trẻ cũng đã lên lịch cho hơn 20 suất diễn dành cho thiếu nhi. Rạp Xiếc Trung ương có những ngày cao điểm với 4 suất diễn... Trên các nhóm, diễn đàn mạng xã hội, có thể thấy nhiều phụ huynh đề xuất cho con đi xem kịch vào dịp tổng kết năm học và trong dịp hè.

NSND Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam từng nhấn mạnh: Khán giả nhỏ chính là tương lai của sân khấu. Hy vọng rằng, với sự nỗ lực của các nghệ sĩ, tình yêu với sân khấu kịch trong các em sẽ được gieo mầm.

An Định