Áp dụng những sáng kiến vì dân
Cải cách hành chính - Ngày đăng : 06:36, 03/06/2023
Thuận tiện cho nhân dân
Cuối năm 2022, UBND xã Tam Hiệp đã mở điểm “Hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính 24h” tại thôn Yên Ngưu; tiếp đó, đầu năm 2023, mở thêm điểm hỗ trợ tại thôn Tựu Liệt. Cùng với đó, UBND xã thành lập “Tổ hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính 24h”, thành phần gồm đại diện ban lãnh đạo thôn, các chi hội phụ nữ, đoàn thanh niên, nông dân, cựu chiến binh cùng 2 công chức làm việc tại bộ phận “một cửa” UBND xã. Nhiệm vụ của tổ là hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến hoặc hỗ trợ người dân bận công việc không đến được bộ phận “một cửa” trong giờ hành chính. Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp Nghiêm Thị Phương Chi cho biết: “Cách làm này giúp nhân dân không phải đi lại xa. Người dân thôn Yên Ngưu và Tựu Liệt có thể đến địa điểm hỗ trợ đặt tại nhà văn hóa thôn vào bất cứ thời điểm nào trong ngày để được hỗ trợ”.
Đây cũng là mô hình đang được triển khai tại hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thanh Trì.
Tương tự, Đoàn thanh niên phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) đã có sáng kiến xây dựng công trình thanh niên “Chuyển đổi số trong niêm yết thủ tục hành chính tại UBND phường Hoàng Liệt”. Với mô hình này, dù ở địa điểm nào người dân cũng chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR là tìm hiểu được toàn bộ thông tin về các thủ tục hành chính niêm yết tại UBND phường Hoàng Liệt.
Tại quận Hoàn Kiếm, sáng kiến trong công tác cải cách hành chính cũng được quan tâm đẩy mạnh. Từ khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị, quận đặt mục tiêu người dân sẽ được cung cấp những dịch vụ tốt hơn, môi trường sống an toàn, thân thiện hơn. Từ sáng kiến “5 thủ tục hành chính không chờ” (thủ tục hành chính không giấy hẹn, trả kết quả ngay) của phường Hàng Bài, UBND quận đã chỉ đạo triển khai thí điểm chuyên đề này tại tất cả các phường trong 6 tháng và chính thức được thực hiện từ ngày 1-10-2022, đem lại hiệu ứng tích cực.
Cùng với đó, nhiều quận, huyện, thị xã cũng áp dụng các sáng kiến mang lại sự thuận tiện cho nhân dân. Huyện Hoài Đức, huyện Mê Linh đang thực hiện thí điểm tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình “Ngày thứ ba xanh” đối với một số thủ tục hành chính. Quận Long Biên ban hành bộ Chỉ số đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của các trường học công lập thuộc quận và bộ Tiêu chí đánh giá sự chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ. Huyện Thanh Oai, quận Hoàn Kiếm thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” hướng dẫn người dân tiếp cận, sử dụng các thiết bị thông minh.
Không ngừng hoàn thiện
Hàng loạt sáng kiến thiết thực, mang lại hiệu quả trong thực tiễn đã được thành phố Hà Nội biểu dương, tuyên truyền, nhân rộng. Các sáng kiến đã giúp các địa phương cải thiện và đạt Chỉ số PAR Index, Chỉ số SIPAS cao. Điển hình như quận Hoàn Kiếm lần lượt có Chỉ số PAR Index và Chỉ số SIPAS là 96,08% và 98,51%; quận Long Biên là 94,46% và 99,27%; huyện Thanh Trì đạt 93,85% và 96,31%... Cùng với đó, việc nhân rộng các mô hình có hiệu quả tạo thành không khí thi đua xây dựng các sáng kiến, mô hình mới, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính.
Để thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác giải quyết thủ tục hành chính trong thời gian tới, đòi hỏi sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành. Hiện nay, tổng số thủ tục hành chính trên địa bàn thành phố là 1.899, trong đó có 1.518 thủ tục hành chính cấp sở, 269 thủ tục hành chính cấp huyện và 112 thủ tục hành chính cấp xã (tính cả các thủ tục hành chính lĩnh vực thanh tra). 100% thủ tục hành chính tiếp nhận theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. Thực hiện chỉ đạo của thành phố về việc triển khai mô hình mẫu “Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính hiện đại các cấp của thành phố Hà Nội”, các đơn vị đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất. Tuy nhiên, tại không ít đơn vị, máy lấy số xếp hàng tự động không hoạt động được, hệ thống điện tử đánh giá sự hài lòng bị hỏng… Cùng với đó, phần mềm dùng chung 3 cấp của thành phố hoạt động chưa ổn định nên trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính còn phát sinh nhiều lỗi; một số hồ sơ giải quyết không hiển thị trên hệ thống; giao diện phức tạp, các trường thông tin trùng lặp phải nhập lại nhiều lần gây khó khăn cho cán bộ thao tác cũng như làm mất thời gian của người dân trong việc kê khai.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Đinh Mạnh Hùng thông tin, qua thực tế kiểm tra công vụ cho thấy, các đơn vị cũng phản ánh về một số bất cập của phần mềm dùng chung. Điều này sẽ được khắc phục khi thành phố đã đặt mục tiêu năm 2023 hoàn thiện, vận hành chính thức và nâng cấp chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến và phần mềm dùng chung 3 cấp của thành phố theo hướng tạo điều kiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp trong giao dịch và giải quyết thủ tục hành chính. Cùng với đó là tích hợp đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.