Bộ trưởng Bộ Tài chính: Hợp đồng bảo hiểm sẽ có thời hạn ngắn hơn

Kinh tế - Ngày đăng : 12:11, 01/06/2023

(HNMO) - Sáng 1-6, phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm sau 1,5 ngày thảo luận về kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ đang tham mưu xây dựng nghị định và thông tư để thực hiện pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; tập trung vào nguyên tắc cung cấp các sản phẩm bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm rõ ràng hơn, ngắn hơn, trọng tâm hơn, làm rõ quyền lợi, thời hạn và nghĩa vụ của các bên...

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Tham mưu xây dựng nghị định về kinh doanh bảo hiểm

Về quản lý hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, vừa qua có những tồn tại như liên kết giữa ngân hàng thương mại và công ty bảo hiểm, các hợp đồng dài, chưa rõ ràng, người mua thường thua thiệt khi khiếu kiện. Trước tình hình này, Bộ Tài chính đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước kiểm tra và xử lý nghiêm những ngân hàng, công ty bảo hiểm vi phạm.

Về giải pháp, Bộ Tài chính đang tham mưu xây dựng nghị định, thông tư để thực hiện pháp luật về kinh doanh bảo hiểm. Trong đó, tập trung vào nguyên tắc cung cấp các sản phẩm bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm rõ ràng hơn, ngắn hơn, trọng tâm hơn, làm rõ quyền lợi, thời hạn và nghĩa vụ của các bên; quy định gói định mức tối đa chi thưởng, quy định các vấn đề về chi đại lý, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm....

Về vấn đề thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết việc chi chương trình mục tiêu có chi thường xuyên và chi đầu tư. Chi đầu tư là chi các dự án đường sá, hỗ trợ nhà ở… Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa danh mục, còn Bộ Tài chính giao kế hoạch. Theo quy định là không bố trí theo năm mà bố trí theo một chương trình trong một giai đoạn. Vì vậy, để cắt ra chia cho năm là không phù hợp. Tuy nhiên, để khắc phục tồn tại, Bộ Tài chính đã có đề nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư như kế hoạch đầu tư công trung hạn giao về cho các tỉnh... Các bộ, ngành tăng cường phân cấp.

"Các bộ, ngành phân bổ, còn cơ quan trung ương chỉ quy định về định mức tiêu chuẩn và tiêu chí như vậy sẽ bảo đảm triển khai nhanh hơn”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Cần giải pháp linh hoạt điều hành lãi suất

Về điều hành lãi suất, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, nhu cầu giảm lãi suất là mong muốn của doanh nghiệp khi vay vốn từ trước tới nay. Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, năm 2022, có 2 lý do phải chấp nhận mặt bằng lãi suất cao hơn, đó là lãi suất quốc tế đồng loạt tăng nhanh và mạnh, trong nước lạm phát vẫn ở mức cao hơn so với năm 2021...

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, cần có giải pháp linh hoạt, đồng bộ để giải quyết những khó khăn này, tránh mất giá đồng tiền, khiến chi phí đầu vào tăng cao, lạm phát tăng cao. Khi ổn định được tỷ giá trở lại, với điều kiện lạm phát tăng chậm lại, trong những tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã rất quyết liệt, điều chỉnh 3 lần mức điều hành lãi suất, đưa mặt bằng lãi suất của các khoản cho vay mới giảm 0,9% bình quân so với năm 2021.

Với việc điều hành tín dụng, tháng 10-2022 đã diễn ra việc rút tiền hàng loạt ở Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), gây nguy cơ tác động lan truyền tới hệ thống ngân hàng. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã tập trung ưu tiên vừa ổn định thị trường ngoại hối và đặc biệt là bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, bảo đảm chi trả cho người dân. Vì vậy, không thể điều chỉnh “room” tín dụng vào thời điểm đó, sau khi thanh khoản ổn định trở lại thì mới điều chỉnh tăng trưởng tín dụng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Về một số giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến cuối năm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông tin, Chính phủ cơ bản đã nhận diện được những tồn tại, hạn chế, tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực, tận dụng cơ hội mới để phát triển đạt được mục tiêu cao nhất.

“Về đầu tư công, đã thực hiện phân cấp, phân quyền triệt để, giao tất cả các quyền cho bộ, ngành, địa phương, từ khâu lựa chọn dự án đến lập dự án, chuẩn bị dự án, giải ngân đầu tư công, việc điều chỉnh dự án, giải phóng mặt bằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ làm công tác tổng hợp, rà soát”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sau 1,5 ngày, đã có 75 đại biểu Quốc hội phát biểu, có 13 đại biểu tham gia tranh luận, 6 bộ trưởng, trưởng ngành đã giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu các ý kiến để đưa các nội dung quan trọng về kinh tế - xã hội vào Nghị quyết chung của kỳ họp.

Mai Hữu