Phát huy hiệu quả của bảo hiểm nông nghiệp
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:22, 03/10/2022
Nông dân chưa mặn mà với bảo hiểm
Sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh, biến động thị trường… Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, mỗi năm ở nước ta thiệt hại do thiên tai lên đến 1,5 tỷ USD.
Trước thực tế trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 315/QĐ-TTg (ngày 1-3-2011) về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam giai đoạn 2011-2013. Thực hiện chủ trương này, có 135.916 hộ dân tham gia ký kết hợp đồng bảo hiểm, trong đó 85% là hộ nghèo. Tổng giá trị bảo hiểm cây trồng, vật nuôi, thủy, hải sản là hơn 2.005 tỷ đồng; phí bảo hiểm gần 127 tỷ đồng; số tiền bồi thường hơn 35 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi kết thúc giai đoạn thí điểm có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, từ năm 2014 đến 2018, việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp không đạt được kết quả như mong đợi.
Qua khảo sát của các cấp Hội Nông dân với 735 nông dân thuộc 4 tỉnh, thành phố triển khai bảo hiểm nông nghiệp là Hà Nội, Thái Bình, Nghệ An, Hà Giang thì có tới 69,9% chưa từng nghe đến bảo hiểm nông nghiệp; 20,6% có biết đến nhưng chưa tham gia; chỉ có 9,5% đang tham gia bảo hiểm nông nghiệp...
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, trong giai đoạn 2011-2013, thực hiện chính sách thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, Hà Nội đã chọn hai huyện và mỗi huyện chọn 3 xã để thực hiện thí điểm bảo hiểm. Tuy nhiên, hết thời gian thực hiện thí điểm, kết quả đạt được rất thấp, sự hiểu biết của nông dân về bảo hiểm nông nghiệp còn hạn chế nên họ không mặn mà với chính sách này.
Theo Phó ban Kinh tế - Xã hội, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng Phan Hữu Dụng, Lâm Đồng là vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn của Việt Nam và bảo hiểm nông nghiệp không còn là chính sách mới đối với nông dân. Tuy nhiên, đến nay, nông dân Lâm Đồng mới chỉ tiếp cận bảo hiểm nông nghiệp ở lĩnh vực chăn nuôi.
Về vấn đề này, Chánh Văn phòng Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Khắc Toàn cho biết, sau khi hết thời gian thí điểm, để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP (ngày 18-4-2018) về bảo hiểm nông nghiệp. Tuy nhiên, khi triển khai chính sách này gặp nhiều khó khăn, rào cản và chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa hỗ trợ được cho nhiều nông dân; ngành sản xuất, cây trồng, vật nuôi được bảo hiểm bị giới hạn… Nguyên nhân là do điều kiện bảo hiểm phức tạp, giải quyết bồi thường thường chậm, thủ tục phiền hà, gây nhiều phiền phức cho người tham gia bảo hiểm...
Lấy quyền lợi của nông dân là trung tâm
Ngày 9-5-2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 13/2022/QĐ-CP về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, những quy định trong Quyết định số 13/2022/QĐ-CP đã tạo cơ hội cho các hộ nông dân tiếp cận chính sách bảo hiểm nông nghiệp. Để chính sách đi vào thực tiễn, các doanh nghiệp bảo hiểm cần sớm giới thiệu sản phẩm cụ thể; đồng thời chia sẻ một số kinh nghiệm đã triển khai các sản phẩm tương tự, qua đó tạo điều kiện cho các địa phương hiểu rõ hơn để tuyên truyền và hướng dẫn người dân triển khai.
Phó Cục trưởng Cục Giám sát, quản lý bảo hiểm (Bộ Tài chính) Nguyễn Quang Huyền cho biết, Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg có bổ sung đối tượng bảo hiểm. Theo đó, ở mảng cây trồng, ngoài lúa đã bổ sung thêm cao su, hồ tiêu, điều, cà phê; đối với vật nuôi, bên cạnh trâu, bò đã bổ sung thêm lợn; ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, bổ sung thêm cá tra bên cạnh tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT cùng Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tổ chức hội nghị phổ biến chính sách về bảo hiểm nông nghiệp cho các địa phương, doanh nghiệp bảo hiểm...
Ở góc độ địa phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang Lê Bá Thành thông tin: Tỉnh Bắc Giang đã có văn bản giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp trên địa bàn; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho nông dân về lĩnh vực này.
Để bảo hiểm nông nghiệp đi vào thực tiễn và triển khai hiệu quả, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần đa dạng hình thức tuyên truyền về lợi ích của bảo hiểm nông nghiệp. Cùng với đó, cần bảo đảm nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa các bên; sản phẩm bảo hiểm phải công khai, minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, dễ làm, coi quyền lợi của nông dân là trung tâm, hài hòa với lợi ích của doanh nghiệp và khả năng cân đối, chi trả của ngân sách nhà nước…