Ứng dụng robot mổ khối u não khổng lồ giúp cô gái 22 tuổi thoát liệt
Sức khỏe - Ngày đăng : 10:27, 01/06/2023
Ngày 1-6, theo tin từ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tại đây vừa ứng dụng robot mổ não lần đầu tiên tại Việt Nam để thực hiện phẫu thuật khối u não khổng lồ cho bệnh nhân P.T.T.T (22 tuổi, ở An Giang).
Bố của bệnh nhân cho biết, cách đây 5 năm, thấy con gái thường xuyên bị đau đầu nặng, gia đình đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh) khám, chụp cộng hưởng từ (MRI) và được các bác sĩ chẩn đoán u thân não. Bác sĩ cho thuốc về uống và cho biết khối u rất khó phẫu thuật.
Hai năm sau, bệnh nhân đau đầu nhiều hơn, đi lại khó khăn, ăn uống kém, nuốt khó. Sau đó, gia đình lại đưa bệnh nhân đến một bệnh viện lớn. Kết quả, khối u phát triển lớn hơn, khó phẫu thuật. Thậm chí, nếu phẫu thuật sẽ có nguy cơ tử vong trên bàn mổ.
Cách đây 6 tháng, bệnh nhân tái khám tại Bệnh viện S.I.S Cần Thơ. Kết quả cho thấy, tình trạng giãn não thất giảm nhưng các triệu chứng thần kinh tăng lên khiến bệnh nhân không đi lại được, ăn uống bị sặc, tri giác lơ mơ, thể trạng gầy yếu.
Gần đây, bệnh nhân được giới thiệu đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Sau khi thăm khám lâm sàng, các bác sĩ cho bệnh nhân chuyển lên khoa ngoại thần kinh, bổ sung chất dinh dưỡng và thực hiện một số xét nghiệm, hồi phục sức khỏe. Khi sức khỏe ổn định, bệnh nhân tiếp tục được chỉ định cận lâm sàng - chụp cộng hưởng từ (MRI) 3 tesla.
Theo MRI mô tả, khối u có kích thước khoảng 6x5cm, dạng u lớn, nằm ở vị trí hố sau ngay vùng thân não, là vị trí khó phẫu thuật, dễ làm tổn thương các chức năng thần kinh sau mổ. Đặc biệt, thân não lại là vùng nguy hiểm nhất của não bộ, nếu có xảy ra tổn thương, khả năng sống còn của bệnh nhân bị đe dọa.
Tuy nhiên, nhờ có robot mổ não Modus V Synaptive - lần đầu tiên được ứng dụng tại Việt Nam, các bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh) đã quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân.
Thạc sĩ - bác sĩ chuyên khoa II Chu Tấn Sĩ, Trưởng khoa Ngoại thần kinh (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, do vùng thân não vô cùng quan trọng, nếu mổ bằng phương pháp truyền thống, bác sĩ chỉ cần sai lầm một chút thôi, bệnh nhân sẽ có thể yếu liệt hoặc mất đi tính mạng. Do đó, bác sĩ phải lên kế hoạch trước mổ, phải mổ mô phỏng trên robot và dựa vào đó để tiến hành trên thực tế.
Kết quả, dưới sự hỗ trợ của hệ thống định vị robot Modus V Synaptive, sau 4 giờ đồng hồ, ê kíp phẫu thuật đã bóc tách lấy nguyên khối u trong não của bệnh nhân T.
“Điểm nổi bật nhất của phương pháp phẫu thuật bằng robot là độ chính xác rất cao trong vị trí phẫu thuật, hạn chế tổn thương phần mềm xung quanh, đường mổ nhỏ, phù hợp với các ca can thiệp về thần kinh sọ não đòi hỏi sự chuẩn xác đến từng milimet”, bác sĩ Chu Tấn Sĩ nói.
Sau mổ, bệnh nhân hồi phục tốt, không biến chứng, khỏe mạnh và đi lại được. Nụ cười trên khuôn mặt của cô gái 22 tuổi cùng gia đình đã trở lại.