Gia Lâm thực hiện tốt công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm
An toàn thực phẩm - Ngày đăng : 06:47, 01/06/2023
Quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm
Theo thống kê, địa bàn huyện Gia Lâm hiện có 9.498 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến liên quan đến thực phẩm; trong đó có 158 cơ sở sản xuất, 9.340 cơ sở kinh doanh, 1 trung tâm thương mại, 3 siêu thị, 28 chợ. Về sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn, toàn huyện có 2.265,3ha trồng rau, củ, quả; trong đó có 47,3ha đã được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng trung bình đạt 5.500-5.800 tấn/tháng; 2.590 cơ sở, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm với tổng đàn 344.227 con, sản lượng trung bình 1.478 tấn thịt hơi/tháng.
Nhằm bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn, UBND huyện Gia Lâm đã chỉ đạo quyết liệt về công tác an toàn thực phẩm. Ngay từ đầu năm, UBND huyện đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra an toàn thực phẩm trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và lễ hội xuân năm 2023. Toàn huyện đã kiểm tra 632 cơ sở; phát hiện, xử phạt 15 cơ sở vi phạm về vệ sinh, an toàn thực phẩm với số tiền 71 triệu đồng; trong đó, cấp huyện kiểm tra 70 cơ sở, xử phạt 7 cơ sở, với số tiền 55 triệu đồng; cấp xã kiểm tra 562 cơ sở, xử phạt 8 cơ sở, với số tiền 16 triệu đồng.
Hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023, UBND huyện đã thành lập 3 đoàn liên ngành kiểm tra an toàn thực phẩm do Phòng Y tế, Phòng Kinh tế, Đội Quản lý thị trường số 8 làm trưởng các đoàn. Các đoàn có nhiệm vụ kiểm tra công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm của Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm các xã, thị trấn; tiến hành kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
Công tác tập huấn được bảo đảm, đa số các cơ sở đã nhận thức và thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm. Công tác thông tin, tuyên truyền được huyện tăng cường, đẩy mạnh, tập trung vào những người trực tiếp tham gia chế biến, kinh doanh thực phẩm. Trong 5 tháng đầu năm 2023, huyện Gia Lâm đã triển khai 27 buổi tập huấn; viết 56 tin, bài, phát thanh 255 lượt về các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm; treo 218 băng rôn, khẩu hiệu, áp phích, phát 1.200 tờ rơi về an toàn thực phẩm, nhằm tuyên truyền rộng rãi tới nhân dân trên địa bàn. Toàn huyện cũng thực hiện xét nghiệm nhanh 1.100 mẫu thực phẩm… Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Gia Lâm không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào.
Đáng chú ý, “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023” đã góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của UBND các cấp, người quản lý; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh trong bảo đảm an toàn thực phẩm đối với rau, thịt là sản phẩm tiêu dùng hằng ngày. Các lực lượng chức năng cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm rau, thịt tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm, nhất là các chợ đầu mối.
Quyết liệt chấn chỉnh, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm
Từ giữa tháng 4-2023 đến nay, tuyến xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã kiểm tra 1.263 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, phát hiện 66/1.263 cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Các đoàn liên ngành huyện Gia Lâm kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm đối với 95 cơ sở, phát hiện 18/95 cơ sở chưa đạt tiêu chí sản xuất, kinh doanh an toàn. Các lỗi vi phạm chủ yếu là không đúng trang phục bảo hộ trong sản xuất, kinh doanh; không lưu mẫu thức ăn, không có lưới chắn côn trùng, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm chưa bảo đảm.
Trưởng phòng Y tế huyện Gia Lâm Bùi Thu Hường cho biết, các cơ sở có vi phạm về vệ sinh, an toàn thực phẩm đều được cơ quan chức năng huyện, Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm các xã, thị trấn nhắc nhở, lập biên bản, ra quyết định xử phạt tổng số 206 triệu đồng. Đồng thời, các cơ sở này đều được yêu cầu tạm ngừng sản xuất, kinh doanh đến khi khắc phục các lỗi vi phạm do đoàn kiểm tra liên ngành huyện, Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm các xã, thị trấn chỉ ra.
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng cho biết, để thực hiện tốt công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm, huyện đã yêu cầu các phòng, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể của huyện và UBND các xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tăng cường tuyên truyền bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người dân; tuyên truyền các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm và phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai những hoạt động kiểm soát, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, sản phẩm OCOP.
Các đơn chức năng và địa phương cần duy trì, phát triển hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc thực phẩm; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm rau, củ, quả đột xuất tại các mô hình, trang trại, hợp tác xã, nơi sản xuất, đăng ký rau, bảo đảm an toàn thực phẩm. Từ đó, khẳng định chất lượng, uy tín về sản phẩm nông sản, tiến tới mở rộng thị trường trong nước và quốc tế...
Bên cạnh đó, các đoàn kiểm tra liên ngành huyện, xã, thị trấn cần tăng cường kiểm tra đột xuất tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các bếp ăn tập thể…, nhằm phát hiện, xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, từng bước lập lại trật tự, kỷ cương trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.