Thiếu than cho phát điện - bài toán chưa lời giải
Kinh tế - Ngày đăng : 06:40, 01/06/2023
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, than là một trong những nguyên liệu đầu vào quan trọng trong sản xuất và đời sống, đặc biệt là trong sản xuất điện. Tuy nhiên, thời gian qua, nguy cơ thiếu hụt than cho sản xuất điện đã hiện hữu.
Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ước tổng nhu cầu than cần thiết cho vận hành các nhà máy nhiệt điện than của Tập đoàn năm 2023 khoảng 25,9 triệu tấn. Tuy nhiên, vào thời điểm đầu năm, theo các hợp đồng than đã ký kết giữa EVN với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc, lượng than đã ký kết mua bán mới chỉ đạt 24,75 triệu tấn. Khối lượng than còn thiếu là 1,425 triệu tấn. Điều này đồng nghĩa, nếu không có nguồn nhiên liệu bổ sung thì một số tổ máy nhiệt điện của EVN có thể sẽ phải dừng phát điện.
EVN nêu thực tiễn từ cuối năm 2022, tình trạng căng thẳng do thiếu nhiên liệu đã xảy ra tại một số nhà máy. Cụ thể, tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình (tỉnh Thái Bình) trong một số ngày cuối tháng 11 và toàn bộ tháng 12-2022, lượng than tồn kho chỉ duy trì ở mức 10.000 tấn, đáp ứng khoảng 2 ngày vận hành đầy tải 2 tổ máy. Do đó, nhà máy đã phải dừng 1 tổ máy để dự phòng. Tại Công ty Nhiệt điện Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh) thuộc Tổng công ty Phát điện 1, trong mùa khô từ tháng 2 đến tháng 6-2023, khối lượng than tiêu thụ dự kiến khoảng 1,96 triệu tấn, nhưng khối lượng than theo hợp đồng mới chỉ đạt 1,82 triệu tấn…
Về phần mình, lãnh đạo Tập đoàn TKV nêu, tình hình cung ứng than cho nền kinh tế, nhất là than cho sản xuất điện đang có xu hướng tăng cao. Giai đoạn 2017-2020, nhu cầu than antraxit cho các nhà máy nhiệt điện lên tới 40 triệu tấn/năm. Dự kiến giai đoạn 2021-2030, sản lượng này tăng lên khoảng 50-55 triệu tấn than/năm.
Thực tế có nhiều nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn than như các doanh nghiệp khai thác than không thể tăng được sản lượng than sản xuất trong nước do giới hạn các giấy phép khai thác than. Thị trường than thế giới biến động do ảnh hưởng xung đột địa chính trị khiến cuối năm 2022, giá than nhập khẩu cao gấp 6 lần so với đầu năm 2020 và gấp khoảng hơn 3 lần so với đầu năm 2021. Giá than cao, nguồn cung hạn chế, khiến việc nhập khẩu nhiên liệu để pha trộn than cũng khó khăn, tăng chi phí.
“Than phục vụ sản xuất trong nước rơi vào tình trạng khan hiếm còn xuất phát từ nguyên do “phung phí” trong xuất khẩu than những năm qua. Thực trạng này đặt ra bài học khai thác hợp lý, cân đối giữa nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu và về lâu dài cần gìn giữ nguồn tài nguyên cùng những hoạch định phải có tầm nhìn xa trông rộng”, chuyên gia Vũ Vinh Phú nêu.
Trước nguy cơ thiếu hụt điện trong mùa khô năm nay, Thường trực Chính phủ đã họp với các bộ, ngành và chỉ đạo TKV và Tổng công ty Đông Bắc cung cấp đầy đủ than cho các nhà máy nhiệt điện sử dụng than trong nước. Các nhà máy nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu triển khai các biện pháp như vay, mượn, mua lại, ứng trước… than của các nhà máy khác.
Để từng bước tháo gỡ khó khăn trong cung ứng than cho sản xuất điện, KTV sẽ ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thăm dò các dự án, xác định toàn bộ trữ lượng than ở các tầng địa chất, từ đó xây dựng quy hoạch khai thác trên cơ sở bám sát quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và quốc gia.
Tuy nhiên, với năng lực hiện tại và nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện tăng cao, trong khi khả năng sản xuất của TKV chưa tăng, giấy phép khai thác của một số dự án chưa được cấp mới, nhiều khả năng ngay trong năm nay, than nguyên khai khai thác sẽ giảm khoảng 3 triệu tấn so với kế hoạch đầu năm, tương ứng giảm khoảng 2-3 triệu tấn than pha trộn nhập khẩu cấp cho sản xuất điện. Do đó, nếu không được các bộ, ngành liên quan tháo gỡ, giải quyết kịp thời, bài toán thiếu than cho nhiệt điện chắc chắn vẫn chưa có lời giải trong thời gian tới.