Tình trạng cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, sợ sai xảy ra ở nhiều bộ, ngành, địa phương
Đời sống - Ngày đăng : 17:20, 31/05/2023
Báo cáo giải trình những vấn đề mà đại biểu quan tâm liên quan đến lĩnh vực nội vụ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ đã làm nóng nghị trường trong phiên thảo luận. Bộ trưởng khẳng định, tình trạng này không chỉ diễn ra đơn lẻ mà diễn ra ở nhiều địa phương, cả một số bộ, ngành trung ương, trong một bộ phận cán bộ, công chức, trong các hoạt động kinh tế - xã hội, thể hiện rõ nhất trên lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai, bất động sản, mua sắm trang thiết bị khu vực công, thủ tục hành chính đầu tư cho phát triển doanh nghiệp, cung ứng các dịch vụ trực tiếp liên quan đến người dân và doanh nghiệp...
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, tình trạng này đã làm chậm trễ và trì trệ hoạt động công vụ, bào mòn và làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, cản trở động lực và nguồn lực phát triển, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là về mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ phân tích nguyên nhân của tình trạng nêu trên và báo cáo Quốc hội các nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm. Bộ trưởng khẳng định, hơn lúc nào hết cần thay đổi để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, công chức trong từng cơ quan, đơn vị, chú trọng về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và đạo đức công vụ. Đồng thời, chấn chỉnh ngay và quyết liệt để thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong cơ quan hành chính nhà nước, xử lý công việc của các bộ, ngành, địa phương.
Cùng với đó là thực hiện nghiêm chỉ đạo của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đẩy mạnh việc rà soát, đề xuất bổ sung, hoàn thiện thể chế, chính sách, nhất là trên lĩnh vực kinh tế - xã hội còn phát sinh khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn và những nội dung liên quan đến quyền hạn, thẩm quyền, các cơ quan, tổ chức; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền. Đồng thời, tham mưu thể chế hóa chủ trương của Đảng về khuyến khích bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Theo Bộ trưởng, cần thay đổi công tác quản lý, đánh giá cán bộ, công chức theo kết quả, sản phẩm công việc cụ thể được giao làm thước đo đánh giá cán bộ. Trên cơ sở thực tế, Bộ Nội vụ sớm tham mưu các cấp có thẩm quyền cải cách chính sách tiền lương nhằm bảo đảm thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực thi công vụ. Huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc một cách đồng bộ để thực hiện các giải pháp với ý thức trách nhiệm cao nhất, quyết tâm công phá tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm và không làm trong thực thi công vụ.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng báo cáo Quốc hội về các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, trong đó Bộ đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có giải pháp đồng bộ, cụ thể, quyết liệt hơn để đẩy mạnh cải cách hành chính nói chung cũng như cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đầu tư...
Trước đó, đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn (Đoàn Trà Vinh) cùng nhiều đại biểu khác đã thẳng thắn chỉ ra trong bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm, có hai nhóm là "suy thoái về tư tưởng chính trị, không muốn làm vì không có lợi ích riêng" và "sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm". Các đại biểu cho rằng, cần phân hóa, phân định một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm là những ai, nguyên nhân nào dẫn đến sự tồn tại của những cán bộ này để từ đó tìm ra giải pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả trong thời gian tới.