Đại biểu Quốc hội băn khoăn về mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,5%
Kinh tế - Ngày đăng : 15:46, 31/05/2023
Nhìn lại kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2023, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) cho rằng, chúng ta ít thấy những gam màu sáng mà chủ yếu là những gam màu xám. Chúng ta chưa thấy được sự lan tỏa, khí thế tăng trưởng của năm 2022 trong những tháng đầu năm 2023, mà chúng ta thấy những khó khăn, thách thức. Những nguyên nhân, hạn chế tồn tại mà nhiều đại biểu có ý kiến tại buổi thảo luận kinh tế - xã hội ở kỳ họp thứ tư tháng 10-2022 đã và đang hiện diện và sẽ là những thách thức lớn trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023, nhất là mục tiêu đạt GDP 6,5%.
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Đoàn Vĩnh Long) dẫn báo cáo của Chính phủ đánh giá những tháng đầu năm 2023 cho thấy, bình quân 1 tháng có 19.200 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Điều đáng nói, không chỉ doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa gặp khó, mà còn cả những doanh nghiệp lớn cũng đối diện với tình trạng hạn chế đơn hàng, áp lực trả nợ lớn nên phải ngưng hoạt động, giải thể hoặc chuyển nhượng doanh nghiệp. Hệ lụy là người lao động giảm, mất việc, thất nghiệp đang diễn ra tại nhiều khu công nghiệp.
Theo đại biểu Minh Trang, từ đầu năm đến nay, số người rút bảo hiểm xã hội một lần tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022. Thực trạng đó cho thấy, giai đoạn này doanh nghiệp và người lao động đang cần những chính sách hỗ trợ vượt trội. Do đó, đại biểu đề nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục rà roát, nghiên cứu, đánh giá, dự báo các yếu tố ảnh hưởng, xu hướng vận động cũng như khả năng phát triển của các lĩnh vực đầu tư kinh doanh để kịp thời điều chỉnh cơ chế, chính sách về tín dụng, thuế, phí, lệ phí…
Trong khi đó, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn Long An) nêu thực trạng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại thị trường giảm; tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ, số doanh nghiệp phá sản tăng; người lao động thiếu việc làm, giảm thu nhập; tình hình rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn đang tăng. Thất nghiệp, thiếu việc làm dẫn đến tình trạng mất an toàn xã hội, gây nguy cơ tăng tỷ lệ tội phạm, vi phạm pháp luật.
“Cử tri, người lao động đang rất mong chờ các quyết sách để giải quyết vấn đề lao động, việc làm, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, đặc biệt là muốn được tiếp cận với nguồn nhà ở xã hội. Đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện hơn về vấn đề này, phân tích rõ độ vênh trong các báo cáo của Chính phủ với các số liệu thực tế về tình hình kinh tế, sản xuất công nghiệp, lao động việc làm, theo dõi sát sao, nhìn nhận cầu thị tình hình thực tiễn, phân tích rõ các nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để chủ động, kịp thời đề ra các giải pháp căn cơ, giải quyết hiệu quả tình hình lao động, việc làm, đảm bảo an sinh xã hội”, đại biểu Mỹ Dung kiến nghị.
Theo đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai), những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 là giai đoạn rất khó khăn và vất vả của đất nước ta. Đại biểu bày tỏ tán thành với các nhóm giải pháp trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra. Trong thời gian tới, đại biểu cho rằng, cần có quyết tâm thật cao, tập trung theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới để có giải pháp, chính sách chủ động, kịp thời.
“Cần chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đồng thời, tiếp tục nâng cao năng lực, tính tự chủ nền kinh tế, phát huy tối đa nguồn lực đào tạo; thậm chí, cần phải có những giải pháp cấp bách, vượt tiền lệ để cứu nguy, hỗ trợ cho hệ thống doanh nghiệp…”, đại biểu Xuân An kiến nghị.
Cơ bản thống nhất với các báo cáo của Chính phủ, đại biểu Khang Thị Mào (Đoàn Yên Bái) đề nghị Chính phủ phân tích, làm rõ thêm những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, khó khăn trong triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, cần tăng cường công tác dự báo trong lĩnh vực xuất khẩu để tránh tình trạng mất cân đối cung cầu, gây khó khăn cho việc tiêu thụ sản phẩm trong nước.
Đại biểu cho rằng, cần rà soát, nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các cơ chế, chính sách, pháp luật, nhất là pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, đất đai, nông nghiệp; pháp luật liên quan đến thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.