Tăng tốc sản xuất nông nghiệp
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:24, 06/10/2022
Nhiều tín hiệu khả quan từ sản xuất
Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín) Bùi Quang Vinh cho biết: Trung bình mỗi ngày, Công ty cung cấp cho thị trường hơn 20 tấn thịt lợn bảo đảm an toàn thực phẩm. Thời điểm hiện tại, dịch bệnh gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát; giá các loại vật tư nông nghiệp có dấu hiệu hạ nhiệt; tình hình tiêu thụ ổn định… tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ chăn nuôi, trang trại đẩy mạnh công tác tái đàn.
Hiện hoạt động sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương đạt kết quả đáng ghi nhận. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công thông tin: 9 tháng năm 2022, giá trị nông sản, thực phẩm xuất khẩu của tỉnh đạt 115,3 triệu USD (chiếm 92,6% giá trị hàng hóa xuất khẩu); trong đó, sản phẩm trái cây có sản lượng đạt hơn 17.940 tấn; nông sản chế biến và các loại nông sản khác đạt hơn 77.270 tấn. Trong quý IV-2022, toàn tỉnh phấn đấu tiêu thụ, xuất khẩu 46.456 tấn nông sản.
Còn theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, trong 9 tháng năm 2022, thành phố tập trung mở rộng diện tích trồng rau, đặc biệt là các loại rau ngắn ngày, hiệu quả kinh tế cao và các loại cây ăn quả như: Chuối tiêu hồng, bưởi, nhãn... Theo đó, diện tích rau đạt 23.878ha, tăng 2,25%; diện tích cây ăn quả hơn 19.800ha, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, Hà Nội tập trung sản xuất vụ xuân, thu hoạch vụ mùa, gieo trồng cây vụ đông; đồng thời đầu tư cho chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chất lượng cao để duy trì giá trị tăng trưởng.
Nhận định tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn cả nước đạt nhiều kết quả khả quan, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Việt cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 9 tháng năm 2022 ước đạt 40,79 tỷ USD, tăng 15,2% so cùng kỳ năm 2021. Bộ NN&PTNT tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương chuẩn bị giống, phân bón, vật tư nông nghiệp để xuống giống, chăm sóc, thu hoạch lúa, hoa màu trong khung thời vụ tốt nhất, hạn chế tối đa ảnh hưởng rét đậm, rét hại, hạn hán, xâm nhập mặn. Đến nay, sản lượng lúa cả nước đạt 19,97 triệu tấn; chăn nuôi phát triển ổn định; nuôi trồng thủy sản tiếp tục tăng trưởng, sản lượng tôm, cá tra tăng trưởng trên 10%...
Tập trung sản xuất theo nhu cầu thị trường
Theo Bộ NN&PTNT, mặc dù đã đạt những kết quả tích cực trong sản xuất, tuy nhiên phía trước vẫn còn khó khăn khi nguyên liệu vật tư đầu vào phụ thuộc nhập khẩu từ nước ngoài dù đã từng bước được giải quyết nhưng chưa triệt để, cần có thời gian. Cuối năm, thời tiết diễn biến bất thường, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Trong khi đó, giá sản phẩm nông nghiệp vẫn thấp.
Thời điểm hiện tại, nông dân trên địa bàn thành phố tập trung thu hoạch lúa mùa, gieo trồng cây vụ đông; đẩy mạnh tái đàn lợn, gia cầm, chăm sóc cây ăn quả... phục vụ thị trường cuối năm. Theo Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh, các thành viên Hợp tác xã đang tập trung sản xuất 250ha rau các loại. Các hoạt động canh tác khá thuận lợi, nông dân thu hoạch đến đâu, trồng gối vụ đến đó, mỗi ngày đưa ra thị trường 35-50 tấn rau xanh các loại.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Hà Nội sẽ điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ phù hợp tình hình nhu cầu tiêu thụ; chỉ đạo xây dựng vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị gắn với chế biến, thị trường…
Còn theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, hiện là thời điểm quan trọng để các địa phương, doanh nghiệp tăng tốc sản xuất bảo đảm “về đích” theo kế hoạch với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 2,8-3%; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 55 tỷ USD… Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh; đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, hỗ trợ hợp tác, liên kết theo chuỗi; đồng thời hướng dẫn, định hướng các địa phương, nhất là các vùng trọng điểm sản xuất gạo, chăn nuôi, thủy sản sản xuất phù hợp xu thế tiêu dùng, nhu cầu của thị trường. Cùng với đó, thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững, an toàn sinh học, bảo đảm nguồn cung và ổn định giá thực phẩm, giá thịt lợn. Từ đó, góp phần giữ chỉ số CPI trong ngưỡng cho phép, nhất là dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, các cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của khí hậu, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi… Bên cạnh đó, các địa phương cần chuẩn bị phương án sản xuất, bảo đảm nguồn cung con giống, vật tư, tháo gỡ khó khăn trong lưu thông, thúc đẩy tiêu thụ; bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, hạn chế biến động về giá cả…