Xuất khẩu "xanh" hướng ra thế giới

Kinh tế - Ngày đăng : 08:01, 31/05/2023

(HNM) - Hướng đến nền kinh tế xanh, xuất khẩu xanh là đáp ứng xu hướng tất yếu khi hòa nhập sâu rộng kinh tế thế giới. Với vai trò trung tâm sản xuất, xuất khẩu của cả nước, các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh cần “suy nghĩ xanh”, tiến tới “hành động xanh” để vượt qua các rào cản thương mại toàn cầu, bảo đảm hiệu quả trong xuất khẩu hàng hóa.

Giới thiệu sản phẩm đồ gỗ ở Triển lãm Nguồn cung ứng quốc tế 2023 tại Trung tâm Hội nghị triển lãm Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh).

Thử thách từ chuyển đổi năng lượng xanh

Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận có chung nhận định, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng và đang tìm cách tiếp cận sâu rộng hơn thị trường này. Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng, xuất khẩu hàng hóa vào thị trường EU chắc chắn sẽ gặp nhiều thử thách. So với các thị trường khác, thị trường EU đang ngày càng “khó tính” khi thiết lập các hàng rào về tiêu chuẩn xanh, sản xuất bền vững, hạn chế tác hại đến môi trường…

Mới đây, Nghị viện châu Âu đã thông qua một thỏa thuận với các quốc gia thành viên EU về kiểm soát một số mặt hàng nông - lâm sản nhập khẩu liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng. Ngoài ra, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam khi tiếp cận thị trường này. Giám đốc điều hành Chương trình chính sách thương mại lâm sản của Tổ chức Forest Trends (Hoa Kỳ) Tô Xuân Phúc nhận định, các rào cản trên là thách thức không nhỏ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào EU.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ là một trong những thế mạnh của các doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai. Nhưng hiện nay, số lượng đơn hàng đang bị giảm sút. Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Lâm Việt Nguyễn Liêm cho biết, Bình Dương có nhiều doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ lớn của cả nước. Tuy nhiên, hiện các đơn hàng xuất khẩu chỉ đủ để các nhà máy hoạt động từ 35 đến 40% công suất. Trong tương lai, với việc kiểm soát chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn xanh đối với hàng hóa nhập khẩu từ EU, dự báo xuất khẩu sản phẩm gỗ sang thị trường trọng điểm này tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Cùng quan điểm, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh Lý Kim Chi nhận định, việc các nước nhập khẩu hàng hóa đưa ra rào cản kỹ thuật khắt khe hơn, nhất là tiêu chuẩn về môi trường, đặt ra thách thức lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của nước ta.

Hướng đến kinh tế xanh, xuất khẩu xanh

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang) có GRDP năm 2022 lên tới 982.000 tỷ đồng, đứng đầu trong các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước; trong đó, riêng thành phố Hồ Chí Minh đạt 512.000 tỷ đồng, chiếm hơn 52%.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Mại, thành phố Hồ Chí Minh với lợi thế vượt trội về công nghệ, nhân lực chất lượng cao, hạ tầng kinh tế - xã hội, hội nhập với khu vực và thế giới, có tiềm năng to lớn trong việc chuyển dịch mô hình tăng trưởng xanh và bền vững. Các địa phương khác trong vùng cũng có lợi thế về đầu tư, thương mại, du lịch, dịch vụ. Để hướng đến xây dựng nền kinh tế xanh, các địa phương cần ưu tiên 5 nhiệm vụ: Đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế tạo cơ sở pháp lý hỗ trợ công tác điều hành của chính quyền; hoàn thành kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia mang tính chất nền tảng; thiết lập các hệ thống ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp; rà soát, sắp xếp lại và huy động mọi nguồn lực cả về tài chính, con người; phát huy vai trò người đứng đầu.

Còn theo nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Võ Trí Thành, xây dựng nền kinh tế xanh là xu hướng tất yếu. Giá trị của doanh nghiệp sẽ tăng lên cùng với hành động xanh và trách nhiệm xã hội. Với vị thế là trung tâm sản xuất, xuất khẩu lớn nhất cả nước, các doanh nghiệp trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần đi đầu trong thay đổi tư duy, nhận thức. Để có “hành động xanh”, trước tiên phải “suy nghĩ xanh”, điều này đòi hỏi cả hai hướng tiếp cận từ chính doanh nghiệp và từ Chính phủ.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề trên, Đảng và Nhà nước ta đã tích cực ban hành các chủ trương, đường lối, cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, thân thiện với môi trường. Cùng với đó, nhiều ngành hàng, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực vượt bậc, chủ động nắm bắt xu hướng trên để có những bước chuyển đổi mạnh mẽ trong chuỗi sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn về sản xuất xanh, xuất khẩu xanh.

“Thành phố Hồ Chí Minh xác định hỗ trợ kinh tế tuần hoàn là một trong 12 chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực. Trong đó, nền tảng là hướng đến sản xuất xanh, xuất khẩu xanh và tăng trưởng xanh”, ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

Trọng Ngôn