Hà Nội sẵn sàng cho khởi công đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trước 30-6

Giao thông - Ngày đăng : 06:53, 30/05/2023

Chiều 29-5, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dụng công trình giao thông thành phố Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ các dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội để khởi công xây dựng tuyến đường lớn bậc nhất này vào tháng 6 tới.

Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đi qua 12 xã trên địa bàn huyện Hoài Đức với chiều dài 17,1 km. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Theo Ban quản lý dự án (QLDA), đến nay kế hoạch vốn đã bố trí là 5.854,840 tỷ đồng (vốn quỹ đầu tư phát triển là 2.564,8 tỷ đồng; kế hoạch vốn năm 2022 và năm 2023 là 3.290 tỷ đồng); trong đó, kế hoạch vốn đã bố trí cho Ban QLDA là 55 tỷ đồng (kế hoạch vốn năm 2023 là 53,255 tỷ đồng). Kế hoạch vốn đã bố trí cho các quận, huyện thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) là 5.799,84 tỷ đồng (vốn quỹ đầu tư phát triển là 2.564,8 tỷ đồng; kế hoạch vốn năm 2023 là 3.235,04 tỷ đồng).

Tổng giá trị giải ngân đến nay là 3.971,634 tỷ đồng (vốn ứng quỹ đầu tư phát triển là 2.564,834 tỷ đồng; giải ngân vốn kế hoạch là 1.406,8 tỷ), trong đó Ban QLDA đã giải ngân 2,394 tỷ đồng; các địa phương giải ngân thực hiện GPMB là 3.969,24 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 68,437%. Bên cạnh đó, thành phố còn có kế hoạch vốn đã bố trí hàng trăm tỷ đồng cho các dự án thành phần…

Đến nay, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Dự án thành phần 1.1; 2.1 và 3 (Dự án PPP) đã hoàn thành công tác thẩm định báo cáo nghiên cứu cứu khả thi của cơ quan chuyên môn về xây dựng. Hiện nay, Ban QLDA và đơn vị tư vấn đã hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi và trình Sở Giao thông - Vận tải ngày 29-5-2023. Dự kiến Sở Giao thông - Vận tải trình UBND thành phố xem xét, có tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng Thẩm định Nhà nước trước ngày 10-6-2023.

Về công tác GPMB, đền bù, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn các quận, huyện thời gian qua, được sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND thành phố và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các địa phương đã tập trung triển khai công tác GPMB và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tổng số mộ chí đã di chuyển là 6.007/10.921 ngôi, đạt 55%.

Về phê duyệt phương án và thu hồi đất, đã phê duyệt và thu hồi đất được 537,270/798,043ha, đạt 67,32% (huyện Sóc Sơn 46,00/48,23ha; huyện Mê Linh (114,30/145,66ha; huyện Đan Phượng 30,73/74,8ha; huyện Hoài Đức 138,30/239,63ha; quận Hà Đông 51,14/68,25ha; huyện Thanh Oai 59,31/86,94ha; huyện Thường Tín 97,49/134,54ha).

Tổng số tiền đã phê duyệt trên địa bàn thành phố Hà Nội là 4.286 tỷ đồng (huyện Sóc Sơn 229 tỷ đồng; huyện Mê Linh 569 tỷ đồng; huyện Đan Phượng 348,45 tỷ đồng; huyện Hoài Đức trên 1.436 tỷ đồng; quận Hà Đông 671,15 tỷ đồng; huyện Thanh Oai 374,53 tỷ đồng; huyện Thường Tín 602,29 tỷ đồng).

Đến nay, Ban QLDA đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật - dự toán xây dựng hạng mục di chuyển điện cao thế từ 110KV đến 500KV. Dự kiến sẽ hoàn thành công tác khảo sát, lập phương án thiết kế kỹ thuật xong trước 15-6-2023, trình Sở Công Thương thẩm định trong tháng 6-2023, phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán trong tháng 7-2023.

Đối với công tác rà phá bom mìn, vật nổ, trình thẩm định phê duyệt phương án kỹ thuật thi công dự toán rà phá bom mìn trước 31-5-2023. Thẩm định phê duyệt phương án kỹ thuật và dự toán gói thầu xong trước ngày 9-6-2023, lựa chọn nhà thầu rà phá bom mìn vật nổ và ký hợp đồng xong trước 25-6-2023.

Được sự quan tâm của Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông - Vận tải và các quận, huyện, đến nay toàn bộ 4 gói thầu xây lắp đã phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán và đang tố chức lựa chọn nhà thầu, dự kiến ký hợp đồng và khởi công công trình trước ngày 30-6-2023.

Tới đây, công tác GPMB dự kiến tháng 6-2023 bàn giao 80% để khởi công dự án và bàn giao 100% mặt bằng trước 31-12-2023.

Thành phố dự kiến khởi công trên toàn tuyến địa bàn thành phố Hà Nội tại 4 vị trí. Cụ thể: vị trí 1, tại giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với Quốc lộ 2, lý trình Kml+444, thuộc địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội. Vị trí 2, tại vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với đường Phương Bàng, lý trình Km28+000, thuộc địa phận xã Song Phương, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Vị trí 3, tại vị trí giao trục phía Nam tại Km45+700, thuộc xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai. Vị trí 4, tại vị trí giao với QL1A cũ tại Km52+600, thuộc địa phận xã Văn Bình, huyện Thường Tín.

Ban quản lý dự án đang đề nghị UBND Thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét chấp thuận điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 đối với Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn thành phố Hà Nội theo đề xuất của Ban QLDA tại Văn bản số 1215/BQLCTGT-KH ngày 19-5-2023 và của các quận, huyện.

Cụ thể, đối với dự án thành phần 1.1, đề xuất, bổ sung thêm 20 tỷ đồng đối với công tác di chuyến điện do Ban QLDA thực hiện. Đề xuất bổ sung vốn kế hoạch 2023 đối với công tác GPMB do các quận, huyện thực hiện là 3.965 tỷ đồng; trong đó, huyện Mê Linh 800 tỷ đồng; huyện Đan Phượng 230 tỷ đồng; huyện Hoài Đức 800 tỷ đồng; huyện Thanh Oai 454 tỷ đồng; huyện Thường Tín 900 tỷ đồng; Hà Đông 781 tỷ đồng. Đối với Dự án thành phần 2.1, đề xuất, bổ sung thêm 350 tỷ đồng.

Ban quản lý dự án đề nghị Sở Giao thông - Vận tải báo cáo UBND thành phố trình báo cáo nghiên cứu dự án thành phần 3 để Hội đồng Thẩm định Nhà nước tổ chức thẩm định song song quá trình thẩm định dự án. Đổng thời đề nghị UBND thành phố tổ chức làm việc với các bộ, ngành để có phương án tháo gỡ các khó khăn vướng mắc theo thông báo số 195/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ.

Dự kiến Ban QLDA trình Sở Công Thương thẩm định phương án thiết kế kỹ thuật hạng mục di chuyển điện cao thế từ 110KV đến 500KV trong tháng 6-2023, đề nghị Sở Công Thương xem xét, có thông báo thẩm định trước ngày 15-7-2023. Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh công tác đấu giá các mỏ vật liệu cát để đảm bảo ổn định giá cả và chủ động nguồn vật liệu cung cấp cho dự án. Đề nghị Sở Xây dựng chủ trì cùng các sở, ngành liên quan như Tài chính, Tài nguyên - Môi trường và tổ liên ngành tổ chức khảo sát, công bố giá vật liệu xây dựng thông thường cho dự án tại mỏ trên cơ sở bám sát diễn biến của thị trường xây dựng. Các quận, huyện có dự án đi qua thực hiện GPMB theo tiến độ cam kết, tổ chức bàn giao mặt bằng cho Ban QLDA, trong đó ưu tiên bàn giao mặt bằng các vị trí dự kiến khởi công để phục vụ khởi công dự án trước 30-6-2023.

Theo Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN