Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh
Thế giới - Ngày đăng : 07:24, 28/05/2023
Báo cáo “Đầu tư năng lượng thế giới” do IEA công bố ngày 25-5 đã chỉ ra rằng, tổng đầu tư cho năng lượng sạch đang trên đà đạt 1,7 nghìn tỷ USD trong năm 2023 khi các nhà đầu tư chuyển sang năng lượng tái tạo, xe điện, năng lượng hạt nhân, lưới điện, lưu trữ và các công nghệ các bon thấp khác - tăng khoảng 25% so với năm 2021. Trong khi đó, dự kiến 1 nghìn tỷ USD sẽ được đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch trong năm nay. 5 năm trước, khoản đầu tư năng lượng hằng năm trị giá 2 nghìn tỷ USD được chia đều cho nhiên liệu hóa thạch và năng lượng sạch. Tuy vậy, do các yếu tố như giá dầu, khí đốt cao và mối lo ngại về nguồn cung, đã thúc đẩy sự phát triển của năng lượng tái tạo.
IEA dự kiến đầu tư vào năng lượng mặt trời đạt 380 tỷ USD, trong khi đầu tư vào thăm dò và khai thác dầu ở mức 370 tỷ USD. Các nhà phân tích cho rằng, điều này có thể mang tính biểu tượng nhưng rất quan trọng vì nó cho thấy tình hình đang thay đổi. “Nếu những khoản đầu tư năng lượng sạch này tiếp tục phát triển phù hợp với những gì chúng ta đã thấy trong vài năm qua, chúng ta sẽ sớm bắt đầu thấy một hệ thống năng lượng rất khác đang nổi lên và có thể duy trì mục tiêu giảm 1,5 độ C,”, Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol chia sẻ trên Financial Times, khi nói về vấn đề liên quan đến mục tiêu của Thỏa thuận khí hậu Paris nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Bên cạnh cuộc khủng hoảng chi phí năng lượng toàn cầu, các chính sách hỗ trợ như Đạo luật giảm lạm phát của Mỹ và Đạo luật công nghiệp không phát thải ròng của Ủy ban châu Âu (EC) đã giúp thúc đẩy đầu tư vào năng lượng sạch. Tổng cộng, đầu tư năng lượng sạch năm 2023 sẽ tăng 24% so với mức năm 2021 và nhiên liệu hóa thạch tăng 15%. Tuy nhiên, hơn 90% mức tăng năng lượng sạch này đến từ các nền kinh tế tiên tiến, trong khi đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch tăng mạnh nhất là ở các quốc gia Trung Đông. Tại Ấn Độ, từ năm 2019 đến 2023 đã chứng kiến sự gia tăng đầu tư vào năng lượng sạch và nằm trong số 5 quốc gia và khu vực hàng đầu chứng kiến xu hướng này sau Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Nhật Bản. IEA cảnh báo điều này gây ra nguy cơ nghiêm trọng về các đường phân chia mới trong năng lượng toàn cầu nếu quá trình chuyển đổi năng lượng sạch không diễn ra ở những nơi khác.
Nhận xét về nhu cầu tăng cường sử dụng năng lượng sạch ở các quốc gia đang phát triển, ông Simon Harford của Liên minh Năng lượng toàn cầu vì con người và hành tinh cho biết: “Giá năng lượng sạch đã giảm hơn 90% trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, các nền kinh tế mới nổi tiếp tục phải đối mặt với chi phí cao hơn nhiều so với các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Điều đó rất quan trọng vì nếu không có năng lượng tái tạo quy mô lớn, các nền kinh tế mới nổi trên thế giới có thể tạo ra 75% lượng khí thải các bon toàn cầu vào năm 2050”.
Dẫu vậy, bất chấp những lợi ích đối với năng lượng mặt trời và năng lượng tái tạo nói chung, đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch đang tăng lên trong khi lẽ ra nó phải giảm nhanh để thế giới đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Ví dụ, chi tiêu cho dầu mỏ giai đoạn thượng nguồn (tìm kiếm, thăm dò, khai thác) vẫn được dự đoán sẽ tăng 7% vào năm 2023, phần lớn là do một số công ty dầu khí quốc gia ở Trung Đông đầu tư.
Theo các nhà khoa học, các quốc gia cần giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính, nhưng bằng cách chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch, để tránh tình trạng nóng lên toàn cầu, dẫn đến những hậu quả thảm khốc. Nếu hành động từ bây giờ để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, thế giới có thể giảm 58% lượng khí thải và đây chính là cơ hội cần phải nắm bắt.